Song song với những hoạt động từ thiện hè tại huyện ĐaKrông, Quảng Trị hôm nay, được sự ủy nhiệm và tài trợ hoàn toàn 100% của anh chị Trâm – Ky Nguyen, một cặp vợ chồng doanh nhân thành đạt, luôn lấy niềm vui giúp người nghèo làm niềm vui cho chính mình, và đã bao năm nay, anh chị luôn cùng đồng hành với Phuc’s Fond, nhằm kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ và cưu mang những phận đời bất hạnh. Lần này theo như ước nguyện, anh chị ước nguyện sẽ xây 2 căn nhà TÌNH THƯƠNG và 1 HỆ THỐNG NƯỚC SẠCH, nhưng sau khi đến thăm và khảo sát, tuy 3 hoàn cảnh khác nhau, nhưng điểm chung của những hộ này sẽ vĩnh viễn chẳng bao giờ có đủ khả năng để có một nơi che nắng, tránh mưa đúng nghĩa, nên mong quý mạnh thường quân khác ở Verginia trợ duyên cùng anh chị Trâm – Ky Nguyen để căn nhà thứ 3 cũng sẽ được hiên ngang đứng lên bằng tình yêu thương và đồng cảm.
1. Hệ thống nước sạch cộng đồng:
Sau khi tiến hành khảo sát, tham quan thực tế,
tại một số địa phương. Chúng tôi xét thấy, hiện nay thôn Húc Nghì, xã Húc Nghì, nằm về phí Bắc của dãy núi Trường Sơn, có hai khu vực dân cư sinh sống. Khu vực chính nằm trên trục đường QL14, gồm có 61 hộ dân và khu vực thứ hai là khu tái định cư thôn Húc Nghì gồm có 113 hộ dân; phía Bắc giáp với xã Tà Long, phía Nam xã Tà Rụt, phía Tây giáp với xã Pa Nang, phía Đông giáp với thôn Ba Bảy. Thôn có 174 hộ, 761 nhân khẩu, 102 hộ nghèo, 06 hộ cận nghèo chiếm 62%.
Đời sống của bà con chủ yếu làm nương rẫy, kinh tế gặp nhiều khó khăn, số nhà tạm bợ không kiên cố còn nhiều. Đặc biệt, hiện nay bà con nơi đây gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, bà con sử dụng các nguồn nước sông ĐaKrông, suối cách khu dân cư bà con sinh sống hơn 1 km, việc lấy nước của bà con rất vất vả và khó khăn, đi xa và leo dốc, xuống sông, suối để xách từng can nước về sử dụng ăn, uống, vệ sinh cá nhân.
Dòng sông này, trước đây được mệnh danh là “dòng sông hoa lửa”. Ngày nay, dòng sông lại nắn dòng chảy, do những trạm thủy điện mọc chi chít ở đầu nguồn… Ngoài ra, “vết thương chiến tranh” vẫn chưa khắc phục, nguồn nước vẫn còn nhiễm chất độc da cam, nạn đãi vàng trái phép đầu nguồn với những hóa chất độc hại được sử dụng tràn lan, và việc sử dụng thuốc bảo quản thực vật trên nương rẫy… đã làm cho dòng sông này đang dần ngấm đầy độc tố.
Vì phải sử dụng nguồn nước “đầy độc tố” ấy, nên tình hình sức khỏe cộng đồng của bà con nơi đây trong thời gian qua đang ở mức báo động đỏ, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai là những đối tượng tổn thương trầm trọng nhất. Hiện nay trên địa bàn thôn có nhiều người mắc các bệnh suy thận, ung thư và nguy cơ mắc các bệnh khác vẫn tiềm ẩn rủi ro đến sức khỏe của bà con.
2. Nhà TÌNH THƯƠNG:
Song song với tiến hành khảo sát nhằm khởi công xây dựng hệ thống nước sạch cộng đồng, chúng tôi cũng rà soát một số hoàn cảnh thương tâm, chưa có nơi ăn, chốn ở ổn định để xây nhà TÌNH THƯƠNG, giúp họ ổn định đời sống và có nơi để che nắng, tránh mưa khi hạ về, đông đến.
a) Bà: Hồ Thị Hêng, sinh ngày 01/01/1952 năm nay đã 72 tuổi. Hiện cư ngụ tại: Thôn A Dang, xã A Ngo, Huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị. Bà có tất cả là 3 người con gồm:
Hồ Văn Đêm (27 tuổi); Hồ Văn Đôi (26 tuổi) và Hồ Thị Đội (25 tuổi). Ba người con của bà lần lượt bỏ gia đình đi lang bạt khắp nơi để kiếm miếng cơm manh áo, đã bao năm nay không hề về thăm gia đình và bà cũng chẳng biết chúng nó ở đâu. Đã vậy, trước khi ra đi các con của bà để lại cho bà 3 đứa cháu cho bà nuôi nấng. Các cháu của bà đến tuổi ăn, tuổi học và còn nhỏ dại, nên tuy bà đã lớn, nhưng cũng cố gắng bươn chãi, làm lụng, ai thuê chi làm nấy, nếu không có ai thuê thì bà làm nương, làm rẫy để kiếm tiền nuôi các cháu ăn học. Thế nhưng tuổi bà càng ngày càng lớn, sức cùng lực tận… Vì vậy mà cuộc sống của bà ngày càng đi vào bế tắc.
Số phận của bà vốn dĩ nghiệt ngã, căn nhà của mấy bà cháu cư ngụ, nhìn càng thảm thương và bi đát hơn nhiều. Căn nhà của bà đang giai đoạn mục nát, xiêu vẹo, tàn tạ và có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, nền căn chòi, không còn một chỗ nguyên vẹn, chỗ nào cũng có thể sụp chân té ngã, và gác bếp ngay giữa chòi nhà có thể bén lửa cháy rụi cả căn chòi đươc xây bằng lá nứa, vách che bằng phên… Nhìn quanh căn nhà chẳng có một chút gì đáng giá, ngoài cái hủ tro đựng một phần tro cốt của người chồng quá cố được cất giữ ở một góc chòi.
b) Em Hồ Cu Tưm sinh ngày 01/01/1974 ở thôn A Bung, xã A Bung, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị. Khi đoàn chúng tôi đến thăm để trao quà, thì vợ của em đã bồng cháu út về nhà ngoại xin ăn, chỉ còn lại hai cha con em Tưm trong căn phòng ẩm thấp, dột, nát và mùi hôi bùn đất như tạo nên không khí ngột ngạt bao trùm khắp cả căn nhà.
Trước đây em Hồ Cu Tưm là lao động chính của gia đình, nhưng đã hơn 3 năm nay em bị bệnh ung thư phổi, không đi làm được, chỉ dựa vào tình yêu thương và chăm sóc của vợ, sự giúp đỡ và chia sẻ của bà con bản làng.
Trong lúc đó, vợ của em là Hồ Thị Rớt (sinh năm 1997) bận nuôi con nhỏ và chăm sóc chồng, nên cũng không làm gì được, ngoài bồng con đi xin ăn khắp các bản làng lân cận, ai cho chi ăn nấy và cả nhà chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng, xã hội.
Nhìn em ngồi bất động, trên chiếc giường mục nát, choáng hết cả không gian căn nhà và bên cạnh thì một cái bếp hoang lạnh… có cảm giác chưa bao giờ được dùng tới, hay đúng hơn chỉ là một đống tro tàn của dĩ vãng. Với hoàn cảnh thương tâm của em, chúng tôi không thể nhắm mắt, ngoảnh mặt làm ngơ trước số phận bi đát của một kiếp người bất hạnh. Vì vậy, tuy đã cạn kiệt nguồn lực, nhưng chúng tôi cũng sẽ cố gắng để xây cho em môt căn nhà TÌNH THƯƠNG đúng nghĩa, để làm nới trú nắng tránh mưa cho cả gia đình bất hạnh.
c) Em Hồ Thị Han thôn Vực Leng xã Tà Rụt. Chồng của em mất sớm, với đồng bào dân tộc thiểu số, thì em chính là một mẫu người phụ nữ “xưa nay hiếm”. Tuy chồng chết khi em còn quá trẻ, nhưng vẫn ở vậy nuôi con, và lo cho các con ăn học. Em có tất cả 4 người con, cô con gái đầu lòng đã đi lấy chồng xa nhà, đứa con trai thứ hai vì nhà nghèo nên phiêu bạt vào Nam kiếm miếng cơm manh áo, đã bao năm nay rồi người mẹ cứ ngồi ngóng bóng hình con, nhưng em ấy đi biền biệt vẫn chưa về… Còn lại hai đứa con bên mình, em luôn cố gắng bươn chải, làm lụng vất vả, ai thuê gì làm đó để nuôi hai con ăn học. Hai cháu cảm nhận và thấu hiểu sự hy sinh của Mẹ, nên học hành chăm chỉ, nhiều năm liền được nhà trường công nhận là học sinh xuất sắc. Riêng em Hồ Thị Bép sinh năm 2002, đang học lớp 12, là niềm tự hào của dân bản, em luôn siêng năng học giỏi và ước mơ trở thành cô giáo, mang cái chữ về dạy cho trẻ em vùng cao biên giới.
Đến thăm mẹ con em giữa trưa hè oi bức, căn nhà lỗ chỗ nhiều ánh sáng rọi vào qua những kẽ hở trên phên nhà đã bắt đầu mục nát, ngôi nhà xiêu vẹo như sắp sập đổ bất cứ lúc nào, cả căn nhà chỉ có chiếc giường là tương đối “kín” vì được quấn bao bọc và bảo vệ thêm 1 lớp nilong khác màu. Vì lý do đó mà chúng tôi hy vọng sẽ mang thêm niềm vui, hạnh phúc cho Mẹ con em với căn nhà TÌNH THƯƠNG đúng nghĩa.
Hoàn cảnh thương tâm của 3 hộ: Hồ Thị Hêng, Hồ Cu Tưm và Hồ Thị Han đã được chúng tôi quyết định xây nhà TÌNH THƯƠNG, để từ nay 3 hộ này được sống trong yêu thương và đùm bọc của những tấm lòng nhân ái. Xin trân trọng kính cám ơn anh chị Trâm – Ky Nguyen đã tạo điều kiện cho Phuc’s Fond, nhằm xây nhà TÌNH THƯƠNG và HỆ THỐNG NƯỚC SẠCH CỘNG ĐỒNG để những phận đời bất hạnh, được sống trong yêu thương và che chở của những phận đời bất hạnh. Dự kiến thứ ba ngày 12/7 chúng tôi sẽ làm lễ khởi công xây dựng.
Người đi góp nhặt yêu thương
Nguyễn Quang Phục