Dư âm hạnh phúc, pha lẫn chút mệt nhọc sau bao hành trình và những chuyến đi từ thiện liên tiếp, đặc biệt, hôm qua tại nhà hàng tiệc cưới khách sạn White Lotus, vừa diễn ra chương trình ca nhạc Gala Phuc’s Fond – Bốn mùa yêu thương. Nhưng hôm nay, chủ nhật ngày 10/7/2022, chúng tôi vẫn tiếp tục hành trình mang theo yêu thương của quý ân nhân, quý tấm lòng nhân ái, đến với những phận đời bất hạnh. Cơ sở chúng tôi đến thăm và ủy lạo hôm nay là TRUNG TÂM KHUYẾT TẬT LONG THỌ.
Xuất phát từ trung tâm thành phố Huế, khi bình minh vừa ló dạng, chúng tôi bon bon trên con đường Bùi Thị Xuân nay đã được hoàn thiện, chứ không còn nhầy nhụa, bì bõm với những hố nước bùn dày đặc như cách đây 3 năm về trước… Cuối cùng cũng đến được cơ sở Long Thọ. Thường thì các em lên tới gần 100 em, nhưng hôm nay là chủ nhật, nên chỉ có các em nội trú ở lại tại cơ sở. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn được các em đón chào bằng những nụ cười thân thiện, tuy trên mỗi khóe mắt nụ cười ấy, dường như gắn liền với một định mệnh đau khổ, bất hạnh của cuộc đời, mà ngay cả chính tôi cũng không thể hình dung được sự nghiệt ngã biến tướng đến là thế.
Như em Thảo, có khuôn mặt khá xinh, nhưng vừa bị câm và vừa bị điếc, tuy nhiên không vì thế mà em mất đi khả năng biểu lộ biểu cảm của mình. Sau khi chuyện trò với tôi một hồi lâu, rồi chụp hình selfie, tôi đi vào bếp để giúp dọn cơm cho các em ăn, xong việc thì quý cô cho biết em ấy đang “hờn” và ngồi khóc một mình, không chịu ra ăn cơm… Tôi đi vào phòng và nói chuyện tâm tình với em, cuối cùng em cũng theo tôi ra ngồi ăn cùng các bạn, sau đó mới biết, là em “hờn” vì không khí chan hòa, ấm cúng như một gia đình, khi chúng tôi có mặt đã làm cho em tủi thân về số phận đơn côi của mình, vì chưa một lần được gặp ba mẹ.
Còn em Phát, khi nghe Mẹ báo tin Ba vừa qua đời, em không những buồn, mà còn chạy vòng vòng hớn hở vui mừng, và la lớn… Ba Phát chết rồi, Ba Phát chết rồi… Đối với buồn, vui không bao giờ có trong tâm hồn, vì vốn dĩ em đến với thế giới này như một người vô thức…
Ngược lại, bề ngoài thì nhìn em Phương có vẻ khô cằn, nhưng khi tôi ngồi bên cạnh tâm sự với em tôi chợt khóc, khi biết ba mẹ em vừa mới qua đời, người anh vừa nghèo vừa bị bệnh, không có khả năng chăm sóc và nuôi em, nên trong đêm khuya người anh đã lén bỏ em mình tại chợ Đông Ba trong một đêm đông giá lạnh…Trong lúc nói chuyện, em cứ ôm tôi vào lòng, như sợ tôi lại đi và lặp đi, lặp lại:
– “Con nhớ ba mẹ lắm, con nhớ ba mẹ…”.
Và còn nhiều hoàn cảnh thương tâm khác, khi tôi tiếp xúc thì em hoàn toàn vô tư đến độ chẳng biết mình là ai.
Ôi chao! Nếu ta nói người say không biết khóc và người điên không biết buồn… phải chăng khi đau khổ đến tột cùng thì mọi cảm nhận từ tâm hồn đã trở về không, và nụ cười trên môi của những trẻ em khuyết tật Long Thọ đang khởi nguồn từ vô thức.
Đây là cơ sở do sư cô Minh Tánh thành lập, nhằm nuôi dưỡng và dạy dỗ các em bị bệnh tự kỉ, bệnh đao, câm, điếc và khuyến tật bẩm sinh. Trung tâm hiện đang là nơi nuôi dưỡng và học tập của gần 90 em bất hạnh và nghèo khó. Ngoài ra còn tạo điều kiện học tập và phục hồi sức khỏe, thể chất, tinh thần; dạy chữ, định hướng nghề cho các em khuyết tật. Trong đó có một số em mồ côi cả Ba lẫn Mẹ, một số em gia đình nghèo khó không có khả năng nuôi dưỡng, nên nương nhờ trung tâm đón nhận. Trung tâm hoạt động đang có hiệu quả và nuôi dưỡng các em đầy đủ, thì không may mắn Sư Cô Minh Tánh viên tịch. Cơ sở cũng đang cần lắm sự trợ duyên của những tấm lòng nhân ái. Nếu quý ân nhân có một lần đến Huế, xin ghé qua cơ sở để thăm viếng và chia sẻ cùng các em.
Qua trao đổi với sư cô điều hành Thoại Nghiêm, chúng tôi thấu hiểu được sự khó khăn mà cơ sở đang đối diện. Để nuôi dưỡng và chăm sóc hơn 90 em tại đây, thì hàng tháng sư cô phải cần có hơn 100 triệu đồng/tháng, để trang trải mọi chi phí, từ ăn uống, học hành, lương bổng các cô giáo và bảo mẫu… Đặc biệt 2 năm qua, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 hoành hành, nguồn tài trợ từ các nhà hảo tâm, quý mạnh thường quân, cũng giảm đi hơn ½. Nhưng với tình hình kinh tế và vật chất hiện nay của Long Thọ, thì nguy cơ giải thể của Long Thọ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, vì sư cô đã bắt đầu cạn kiệt nguồn lực. Nếu điều đó là hiện thực, không biết rồi đây, hơn 100 số phận bất hạnh, nghiệt ngã này sẽ về đâu?
Đến thăm viếng cơ sở hôm nay, chúng tôi chuyển đến Long Thọ với tình yêu thương chia sẻ của quý ân nhân qua một số hàng hóa như: Quạt máy, thùng chứa nước, bàn ghế ăn, bột giặt, mì gói, gạo, sửa, đường… và 10.000.000 vnđ tiền mặt. Tổng giá trị của chuyến viếng thăm là 33.000.000 vnđ. Tuy sự hỗ trợ đến với Long Thọ vẫn còn khiêm nhường, nhưng hy vọng những chuyến thăm viếng sau, sẽ mang thêm nhiều yêu thương và sự hy vọng lớn để cơ sở Long Thọ có cơ hội hồi sinh và là nơi che chở nắng mưa của những phận đời bất hạnh.
Mong lắm quý ân nhân, quý tấm lòng nhân ái, nếu đến Huế, xin hãy dừng chân ghé qua Long Thọ, cùng tiếp sức với sư cô điều hành để các em khuyết tật có cuộc sống ổn định và đầy đủ hơn, khi cuộc đời của các em vốn dĩ đã thiếu thốn những “tiêu chí” căn bản, mà tạo hóa vốn ban cho một kiếp làm người.
Thay mặt ban điều hành quỹ từ thiện Phuc’s Fond, cám ơn quý ân nhân, quý tấm lòng nhân ái, đã luôn cưu mang, hỗ trợ cho chúng tôi tổ chức những chương trình đáng quý này, để Phuc’s Fond tiếp tục được mang niềm vui đến với các em còn bất hạnh.
Người đi góp nhặt yêu thương
Nguyễn Quang Phục