Đến cơ sở Long Thọ khi các em đang được quý cô giáo hướng dẫn tập thể dục trước khi vào lớp, tuy bận bụi với những bài học mới, nhưng khi nhìn thấy chúng tôi, các em đón chào bằng những nụ cười thân thiện, tuy trên mỗi khóe mắt nụ cười, dường như gắn liền với một đệnh mệnh đau khổ, bất hạnh của cuộc đời, mà ngay cả chính tôi, cũng không thể hình dung được sự nghiệt ngã, biến tướng đến là thế…
Trong lúc các em đang nô đùa, hồn nhiên vô thức, tôi chợt nhìn thấy một khuôn mặt dễ thương, thánh thiện và vô cùng tri thức, khả kính…Cứ tưởng đó là một trong các cô giáo tại cơ sở, nhưng khi hỏi ra, tôi mới biết em ấy vừa bị câm lẫn điếc…thế mới biết sự nghiệt ngã của cuộc đời không phải chỉ có những khuôn mặt buồn, biến thể, mà ngay cả những khuôn mặt khả ái, dễ thương cũng không thoát khỏi. Em ấy tên là Thảo. Sau khi trò chuyện với em, tôi vào bếp để giúp các chị chuẩn bị bữa ăn co các em…Xong việc, thì quý cô cho hay là bé Thảo đang «lẫy» và giận dữ lắm, đang trốn trong phòng và ngồi khóc một mình.
Nghe vậy tôi đi từ từ đi vào, nhìn em ấy và mĩm cười như cầu hòa. Nhờ vậy mà giảm bớt một phần nào cơn «hỏa», đang bừng cháy trong lòng em. Sau một thời gian khá dài, vỗ về và khuyên nhủ, em ấy lau dòng lệ buồn và theo tôi ra ngoài ngồi ăn cùng các bạn. Cũng như các bạn cùng lứa tuổi khác, em Thảo cũng biết muộn phiền, giận hờn vui vơ, cáu gắt…tìm đến một góc khuất nào đó, để khóc cho thỏa cơn muộn phiền…Tâm lý của những đứa trẻ khuyết tật nào khác gì trẻ em bình thường ? Khác chăng là cái nhìn của người đời, luôn dành cho các em ấy một cái nhìn chưa hoàn toàn đồng cảm.
Tiếp chuyện với Sư cô Thoại Dương, nên mình biết thêm:
– “Bé Thảo mồ côi cha mẹ lúc mười lăm tuổi, ba Thảo đạp xích lô, bị tai nạn giao thông và chết ngay giữa lòng đường khi đang còn kiếm miếng cơm manh áo nuôi em Thảo. Mẹ của em, vốn bị tâm thần nhẹ, sau cú sốc nặng, bệnh tình nặng hơn, không còn trí nhớ và bị điên, được mấy năm cũng ra đi tìm chồng bên kia thế giới. Để lại bé Thảo vừa câm và vừa bị điếc bẩm sinh, năm nay Thảo vừa tròn 22 tuổi. Thảo là một trong những em trú ngụ quanh năm tại trung tâm Long Thọ, chỉ khi đến Tết thì Cậu của Thảo, lên đón về để thắp hương cho Ba Mẹ vào những ngày giáp Tết”. Té ra Thảo trốn chạy, tìm nơi góc khuất để khóc, vì em ấy cảm thấy tủi thân, khi thấy không khí thân tình, và em chợt nhớ đến Ba Mẹ.
Nếu ta nói người say không biết khóc và người điên thì không biết buồn…phải chăng khi đau khổ đến tột cùng thì mọi cảm nhận từ tâm hồn đã trở về không, và nụ cười trên môi của những trẻ em khuyết tật Long Thọ đang khởi nguồn từ vô thức. Đây là cơ sở do sư cô Minh Tánh thành lập, nhằm nuôi nấng và dạy dỗ các em bị bệnh tự kỉ, bệnh Đao, câm, điếc và khuyến tật bẩm sinh. Trung tâm hiện đang là nơi nuôi dưỡng và học tập của gần 70 em bất hạnh và nghèo khó. Ngoài ra còn tạo điều kiện học tập và phục hồi sức khỏe, thể chất, tinh thần; dạy chữ, định hướng nghề cho các em khuyết tật. Trong đó có một số em mồ côi cả Ba lẫn Mẹ, một số em con gia đình nghèo khó không có khả năng nuôi dưỡng các em, nên nương nhờ trung tâm đón nhận.
Trung tâm hoạt động đang có hiệu quả và nuôi dưỡng các em đầy đủ, thì không may mắn Sư Cô Minh Tánh viên tịch, và từ đó Sư cô Thoại Dương tiếp quản. Cơ sở cũng đang cần lắm sự trợ duyên của những tấm lòng nhân ái. Nếu quý ân nhân có một lần đến Huế, xin ghé qua cơ sở để thăm viếng và chia sẻ cùng các em. Đến trung tâm rất sớm nên tôi có thời gian đi xem các lớp học, tùy theo mất độ Thiểu năng trí tuệ, tiếng Anh: intellectual disability (ID), general learning disability, mental retardation (MR), là một rối loạn phát triển thần kinh tổng quát, được đặc trưng bằng việc thiểu năng của chức năng trí tuệ và khả năng thích nghi. Nó được định nghĩa là người có chỉ số IQ dưới 70, để quý sư và các cô giáo chia các em vào các lớp để tiện theo dõi và dạy dỗ.
Vì vậy mà các em được chia thành các lớp (Nhóm) như sau:
-Nhóm 1 là những em bị bệnh thiểu năng trí tuệ nặng, không còn kiểm soát được bản thân, không thể tự chủ được các hoạt động hay hành vi cá nhân, nhóm này có 11 em.
-Nhóm 2: Gồm những em bị bệnh loạn não, thiểu năng trí tuệ, so với nhóm trước thì đỡ hơn một phần. Nhóm này gồm 23 em.
-Nhóm 3: Bao gồm các em bị câm lẫn điếc, nhóm này tuy vẫn còn tự kiểm sót lấy mình, nhưng do vì không nói và nghe được, vì vậy mà luôn có những cử chỉ “đột biến bất thường”, mà không cần có dấu hiệu biểu hiện trước khi hành động. Nhóm này gồm 23 em.
-Nhóm 4: Gồm các em thiểu năng trí tuệ nhẹ, bệnh trầm cảm và bệnh down, nhóm này tuy chưa hoàn toàn vô thức những sự phát triển trí tuệ luôn kém hơn nhiều so với độ tuổi, đúng hơn thì nhận thức như đứa trẻ 2, 3 tuổi. Nhóm này gồm 21 em.
-Nhóm 5: Đây là nhóm duy nhất được ở tầng hai, vì các em có thể tự kiểm soát lấy mình tuy các em mang bệnh down, bệnh thiểu năng trí tuệ…Nhóm này gồm 18 em.
Với chi phí hơn điều hành hơn 90 triệu đồng/tháng. Một con số quá khổng lồ, so với sự hiện diện quá khiêm nhường của Trung Tâm Khuyết Tật Long Thọ, trong cộng đồng và xã hội. Mình viết vài dòng không chỉ nói về em Thảo hay hơn 90 em còn lại đang được trung tâm cưu mang, giáo dục và hỗ trợ…Nếu tình hình kinh tế của Long Thọ bi đát như hiện nay, thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng phục vụ, ăn uống, sinh hoạt và giáo dục của các em.
Mình mong sao quý ân nhân, quý mạnh thường quân, quý tấm lòng nhân ái, nếu có dịp về thăm Huế, xin ghé qua TRUNG TÂM BẢO TRỢ TRẺ EM KHUYẾT TẬT CHÙA LONG THỌ
Địa chỉ: 393 Bùi Thị Xuân, Thủy Biều, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế, Vietnam
Nơi này đang thật sự cần sự trợ duyên, đóng góp của quý mạnh thường quân, để nuôi dưỡng và cưu mang những phận đời bất hạnh.
Người đi góp nhăt yêu thương.
Nguyễn Quang Phục