THĂM VÀ TRAO QUÀ ĐẾN CÁC HỘ NGHÈO CỦA PHUC’S FOND – THÁNG 6 NĂM 2024

Cứ mỗi lần Hạ về, mình lại về với quê hương, với sông Hương, núi Ngự để được tắm mình trong vòng tay yêu thương và chan chứa tình người của những người thân, bạn bè, các con và những đứa con tinh thần trong căn nhà Phuc’s Fond. Đối với mình, họ chính là niềm vui và động lực, để mình có thêm nghị lực tiếp tục trên hành trình vô định của mình nhằm lan tỏa yêu thương… Vì vậy, đến thăm và tận mắt chứng kiến, trực tiếp trao đổi và tâm tình, lắng nghe những nguyện vọng khát khao của những phận đời bất hạnh, luôn là những dịp may mà mình không thể bỏ qua.

Vì ước nguyện ấy của mình nên chương trình thăm và trao quà đến các hộ nghèo của Phuc’s Fond bị chậm trễ, do các em ráng đợi mình về để cùng đồng hành với các em. Hôm qua, thứ ba ngày 9/7/2024, mới hoàn tất chương trình đến thăm và trao quà cho các hộ nghèo của Phuc’s Fond tháng 6. Trước đó 3, 4 ngày, mình được em Quốc Tri và một vài em trong nhóm hướng dẫn đến thăm gần 10 hộ khác nhau. Chuyến đi vào tối chủ nhật 7/7/2024 không được thuận duyên cho lắm, nên con mắt của mình bị đá bắn văng lên, suýt nữa mà gây họa lớn.
Theo kế hoạch, đoàn sẽ ghé thăm 10 hộ nghèo, lộ trình hướng Bắc của tỉnh Thừa Thiên Huế, nhưng nằm rải rác trên quãng đường hơn 50km. Có đi mới biết sự hy sinh vô úy của các em trong nhóm từ thiện Phuc’s Fond, đặc biệt là em Quốc Tri, người theo sát và chịu trách nhiệm chính của chương trình hỗ trợ hộ nghèo hàng tháng… Một quãng đường không hề ngắn, rình rập bao nguy hiểm, tai ương… dưới cơn nắng cháy da người của Thừa Thiên Huế đang chuyển mình vào Hạ. Càng đi mình càng nể phục sự hy sinh cao cả và tấm lòng nhiệt huyết đã hun đúc tình yêu thương và sự đồng cảm của các em dành cho những phận đời bất hạnh, nếu không thì khó mà trụ nổi sau một lần tham gia hoạt động.

10 hộ nghèo mình đến thăm, tuy mỗi người một hoàn cảnh; mỗi phận đời như một bi kịch của xã hội, mà nước mắt cứ tuôn rơi mỗi khi mình ghi về họ. Trong phạm vi của một bài viết, mình chỉ ghi lại đây 2 trường hợp cuối cùng của chuyến đi:

1. Gia đình chị: Trần Thị Bé (sinh năm 1989)
Địa chỉ: Thôn Thuận Hoà B, xã Hương Phong, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế. Chồng của chị Bé là anh Đặng Duy Lành (sinh năm 1985) làm thợ nề, chị Bé thì bán trứng ở chợ, gia đình hạnh phúc với 3 người con còn nhỏ dại. Tuy nhiên, sau khi xây xong “căn nhà hạnh phúc” cho chính gia đình mình, thì anh Đặng Duy Lành bị tai nạn lao động dẫn đến bại liệt nửa người. Các bác sĩ khuyên gia đình cố gắng vượt qua để lo cho anh, vì anh vẫn còn hy vọng được phục hồi từ 1 đến 2 năm. Đến nay, đã nhiều năm trôi qua nhưng anh vẫn nằm 1 chỗ, không thể lo cho gia đình, tất cả mọi việc đều đặt nặng lên đôi vai gầy của chị Bé. Cách đây 7 năm, khi giúp Phuc’s Fond xây nhà TÌNH THƯƠNG cho hộ em Nguyễn Thị Thanh Trúc 38 tuổi (căn nhà thứ 3/6 của năm 2017), anh cũng bị xe hồ đè lên đầu, bị chấn thương sọ não và gây thương tích vùng mặt, phải nằm viện mất 3 tháng… Và lần này thì em có thể vĩnh viễn bị bại liệt, nếu may mắn thì có thể phục hồi, nhưng cơ hội mong manh lắm. Chồng đã như vậy, em Trần Thị Bé còn là người mẹ của 3 đứa con còn nhỏ dại,

2. Gia đình chị: Trần Thị Hoa (sinh ngày 1/1/1969)
Địa chỉ: Vân Quật Đông, xã Hương Phong, thành phố Huế.
Trong căn nhà lụp xụp, đang xuống cấp là nơi cư ngụ của 4 phận đời bất hạnh, ngoài em Trần Thị Hoa còn có: Em Trương Mạnh (sinh ngày 1/1/1975), em Trương Thấm (sinh ngày 20/9/1985), cháu Trương Thị Hồng Ngọc (sinh 2/2/2011). Cả ba chị em đều mang trong mình căn bệnh: TÂM THẦN PHÂN LIỆT. Đây là loại bệnh loạn thần nặng, đặc trưng với triệu chứng loạn thần như: Ảo giác, hoang tưởng, rối loạn hành vi và ngôn ngữ… Bệnh nhân sẽ có ý nghĩ sai lệch, không phù hợp, người khác không thể giải thích cho bệnh nhân hiểu thế nào là đúng, sai. Do đó, người bệnh thường có những hành động lạ lùng, kỳ dị do hoang tưởng gây ra, thiếu hụt về nhận thức, cảm giác thường thờ ơ, vô cảm và rối loạn chức năng nghề nghiệp và xã hội. Bệnh này thường hay có ý tưởng tự tử. Theo những người hàng xóm cho biết, thì vào những ngày nắng nóng, 3 anh em lên cơn, lúc ấy chẳng còn kiểm soát được chính mình, khóc lóc, đánh đập nhau… Căn nhà như một bệnh viện tâm thần dành cho nhưng người điên nặng… Những lần như vậy, họ thường hay nhịn đói, bà con lối xóm, chờ cho họ “lắng dịu” mới mang thức ăn đến cho 3 anh em cùng ăn. Mỗi thành viên trong gia đình này đúng thật là một bi kịch đau thương của xã hội. Em Trương Mạnh, mới nghe tên thì có vẻ như một kẻ anh hùng… nhưng ngoài bị bệnh tâm thần phân liệt, em còn bị tiểu đường và thận… Lâu nay, bệnh viện là nơi ½ thời gian của em trong cuộc sống hiện tại… Nhà đã nghèo nay lại càng nghèo hơn, vì bệnh này không được BHXH hỗ trợ khi chạy thận hay tiêm insulin. Em Trương Thấm thì may mắn hơn, nhưng ngoài bệnh tâm thần phân liệt, em còn mang trong mình căn bệnh loét dạ dày. Riêng em Trần Thị Hoa là chị cả trong gia đình, nên ngoài bệnh tâm thần phân liệt, ông trời cho em ấy một chút nhan sắc, để những kẻ háo sắc, tham tình, thèm dục… Đã lạm dụng em như một món đồ chơi khi say và cả lúc tỉnh… Và như hàng xóm cho hay:

– “Chị Hoa tội lắm, bị nhiều người lạm dụng. Đặc biệt có một ông trong xóm, chỉ có toàn con gái nên dụ chị Hoa ni làm “vợ hờ” để sinh con trai nối dòng cho chị, nhưng vừa sinh ra, thì cháu Trương Thị Hồng Ngọc lại bị bệnh down nặng và cũng bị tâm thần, nên gia đình cũng như ông nớ không nhận cháu là con của mình”.
Không biết rồi đây em Trần Thị Bé ra răng và số phận của em Đặng Duy Lành như thế nào, và 4 phận đời bất hạnh TÂM THẦN PHÂN LIỆT với đứa con tật nguyền sẽ đi về đâu, khi mình không còn đủ sức để giúp họ hàng tháng? Nghĩ đến đó, tôi có cảm giác một chút vị mặn nơi bờ môi, chỉ kịp đưa thêm cho gia đình một ít tiền để bù vào khoản thiếu hụt. Tôi vội vàng lên xe chạy trốn… và đâu đây tiếng ú ớ… của cháu Trương Thị Hồng Ngọc vẫn còn vọng lại.

Người đi góp nhặt yêu thương
Nguyễn Quang Phục