NGÀY ĐẦU TIÊN Ở HUẾ

Vậy là đã trôi qua một đêm dài – tuy dài nhưng lại ngắn ngủi với một người thèm ngủ như mình – tại mảnh đất Huế thương. Sáng nay, theo lời nhắn của em Quốc Tri, mình có mặt đúng giờ như thông báo trong lịch hoạt động của nhóm trường H.T.Lang. Vừa đặt chân đến nơi, đã thấy hiện lên trước mắt là những khuôn mặt thân thương, những nụ cười ấm áp như nắng mai xứ Huế đang chào đón mình. Té ra các em trong nhóm vẫn thường nhắc nhau rằng:
– Buổi hoạt động mô mà có Thầy tham gia thì nhớ đi cho đúng giờ, chơ Thầy không vui khi mọi người đến trễ.
Chương trình sáng nay là đến thăm bốn hộ gia đình mà Phuc’s Fond đang cưu mang, rải rác ở vùng Quảng Thành (xưa). Trời thương, mấy hôm trước Huế còn nắng gắt, vậy mà khi mình vừa về đến đất Thần Kinh thì tiết trời bỗng dịu dàng, se se mát, như cũng đang dang tay chở che đón đứa con xa xứ trở về từ phương Bắc Âu lạnh giá.
Dẫu trời không còn cái nắng gay gắt bỏng rát của miền Trung, nhưng cũng đủ làm áo thấm mồ hôi, khiến những bước chân thêm chậm chạp nặng nề – phần vì cơ thể còn chưa hồi phục sau những đêm mất ngủ triền miên. Quãng đường chưa đầy 40 cây số, nhưng đôi mắt đã như muốn sụp xuống giữa cái nắng vàng rực đưa lối vào một mùa Hạ vàng đậm sắc Huế.

Hộ đầu tiên mình ghé thăm hôm nay là gia đình chị Nguyễn Thị Chanh. Khi đọc lại hồ sơ ghi nhận hoàn cảnh của chị từ tháng 4 năm 2014 – thời điểm chị được đưa vào danh sách hộ nghèo của Phuc’s Fond – mình vẫn nhớ từng dòng chữ mình viết:
NGUYỄN THỊ CHANH, sinh năm 1958
Địa chỉ thường trú: Làng Thành Trung, Quảng Thành, Quảng Điền
Ba mẹ mất sớm, để lại cho chị một căn nhà đang xuống cấp nghiêm trọng và một người em gái “nửa tỉnh nửa mê”. Người em gái ấy lại lỡ làng duyên phận, nhưng “thừa nghiệp”, lần lượt sinh ra hai đứa con kháu khỉnh, đáng yêu với khuôn mặt thanh tú hiền hậu. Nhưng trớ trêu thay, cả hai cháu đều bị câm và điếc. Mới nhìn qua, không ai nghĩ rằng phía sau sự ngây thơ kia lại ẩn chứa những nỗi đau lớn đến thế.

Người em gái của chị Chanh, trong trạng thái tinh thần không ổn định, lại thêm hai đứa con ngoài giá thú, cuộc sống vốn đã chật vật lại càng thêm u tối. Không công ăn việc làm, chẳng ruộng vườn, chị Chanh – dù nghèo khó – vẫn ôm lấy em, đón luôn hai cháu về nuôi dưỡng. Cả bốn con người cùng nương tựa vào nhau trong căn nhà cũ, cuộc sống chỉ trông chờ vào vài luống rau nhỏ chị chăm chút mỗi ngày. Cảnh ngộ ấy khiến lòng người thắt lại – chua xót mà cảm phục biết bao.

Hôm nay, khi quay lại, mình nhìn thấy tấm bảng treo trước nhà với dòng chữ:
“Nhà tình thương do Phuc’s Fond xây tặng vào tháng 6/2015”
Mười năm – chẳng dài so với một đời người, nhưng lại là cả một chặng đường đáng nhớ đối với một tổ chức thiện nguyện nhỏ bé như Phuc’s Fond. Mười năm ấy, không biết bao nhiêu căn nhà đã mọc lên để chở che những phận đời kém may mắn, bao giếng nước được đào để mang dòng nước mát lành về tưới dịu những mảnh đời khô cằn trong khốn khó. Và cũng đã 12 năm kể từ ngày Phuc’s Fond kết nối yêu thương đến gia đình chị Chanh – 12 năm, tháng nào cũng có các em tình nguyện viên ghé thăm, mang theo quà, niềm vui, và sự sẻ chia chân thành từ những tấm lòng vàng của quý Mạnh Thường Quân.

Mười hai năm – đủ để thấy thời gian đã in hằn dấu vết lên gương mặt chị Chanh, nhưng cũng đủ để chứng kiến hai đứa trẻ ngày nào giờ đã lớn khôn về hình hài, dẫu tâm hồn vẫn mãi trong khoảng lặng không lời – nơi không có niềm vui và cũng chẳng cảm nhận được nỗi buồn.

Biết bao thế hệ Phuc’s Fond đã đến rồi đi, nhưng tấm lòng của chúng tôi với gia đình chị chưa từng vơi cạn. Đó không chỉ là sự kiên định trong hành trình thiện nguyện, mà còn là nhờ vào sự tin yêu, đồng hành của quý mạnh thường quân, những con người luôn tin vào điều tử tế, và đã góp phần giúp chúng tôi duy trì sứ mệnh:
GIÚP NGƯỜI – LAN TỎA YÊU THƯƠNG

Người đi góp nhặt yêu thương
Nguyễn Quang Phục