NGÀY THỨ 2 Ở HUẾ, THĂM NHỮNG HỘ NGHÈO MỚI CỦA PHUC’S FOND ĐANG CƯU MANG MÀ MÌNH CHƯA BAO GIỜ ĐƯỢC GẶP

Về đến Huế vào tối chủ nhật, và liên tục những ngày qua, mình đều có những chuyến đi bất định… Con đường cứ dài thêm ra, khi lắng nghe những tiếng kêu, tiếng cầu cứu vang vọng đâu đây, mình lại rong ruổi lên đường, để xác minh và tìm hiểu, những hoàn cảnh đáng thương, những phận đời bất hạnh, ước mong được kịp thời giúp họ… Đã 3 ngày trôi qua, những cuộc hẹn hò với con mình đành bỏ lỡ, kế hoạch dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, tảo mộ, thăm bạn bè vào những ngày trước Tết vẫn còn chờ đợi… Những tiếng kêu cầu cứu, những lời mong đợi, đã cuốn mình theo chiều gió, để rồi những chuyến thăm và được đối diện trực tiếp với những hộ nghèo Phuc’s Fond vừa nhận bảo trợ cưu mang đã giúp mình có thêm động lực. Nên hôm nay, lại tiếp tục hành trình mới với hơn 100 km đường dài để đến thăm và trao quà Tết cho những phận đời bất hạnh. 2 trong các trường hợp hôm nay mình gặp sao mà thương tâm quá:

1. Anh Nguyễn Thái Cò (sinh ngày 10/6/1964).
Địa chỉ: Xóm Cụ, Thanh Lương 4, Hương Xuân, thị xã Hương Trà, Thành phố Huế. Trước đây, gia đình 4 người nhưng hết 3 người (anh Nguyễn Thái Cò và 2 người con: Nguyễn Thái Phúc, Nguyễn Thị Duyên) đều bị khuyết tật. Kinh tế trong gia đình phụ thuộc vào vợ của anh Cò là chị Nguyễn Thị Tằm (sinh ngày 18/8/1960), làm nghề nông, những lúc rảnh, chị lại tranh thủ đi phụ thợ nề để kiếm thêm thu nhập lo cho gia đình. Tuy nhiên, đến năm 2022, chị Nguyễn Thị Tằm bị tai biến nên cũng không đi làm được. Hiện tại, chị còn bị thêm suy thận và nhiều bệnh khác, phải vào bệnh viện khám thường xuyên. Đối diện với 3 khuôn mặt trong căn nhà anh Cò, mình chỉ biết buôn tiếng thở dài và thương cho số phận. Nếu như nhà văn Nam Cao đã từng có lời tuyên ngôn về nghệ thuật:
“Chao ôi! Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối, nghệ thuật chỉ có thể là tiếng đau khổ kia, thoát ra từ kiếp lầm than”.
Nhìn dáng người và khuôn mặt anh Cò, tôi càng nể phục chị Tằm, biết là đến với anh, chị sẽ cực khổ cả cuộc đời còn lại, thế nhưng, vì tình thương và sự đồng cảm cao hơn cả lý trí như chị tâm sự “chị quyết định lấy anh Cò để mà lo cho anh chứ nhà nghèo, Ba Mẹ chết sớm, tui không lấy anh thì ai mà nuôi anh bây giờ…”. Nhưng thương thay sự hy sinh cao cả ấy của chị, cũng không được ông Trời thấu hiểu, hai đứa con lần lượt ra đời với gen trội giống ba và cuộc đời số phận của họ lại tiếp tục như nhân vật Thị Nở trong tác phẩm chí Phèo của Nam Cao.

2. Chị Nguyễn Thị Thảo (sinh ngày 15/8/1974).
Địa chỉ: Thôn Giáp Trung, phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế.
Chồng chị đã mất, một mình chị phải gồng gánh nuôi 2 con và Mẹ già gần 80 tuổi (Mệ Phạm Thị Lùn, sinh ngày 12/10/1949). Tuy nhiên, con gái đầu của chị là cháu Nguyễn Thị Ngọc Châu (sinh ngày 2/1/2003) bị thiểu năng trí tuệ từ khi mới sinh. Con gái thứ 2 là cháu La Ngọc Thảo Nguyên (sinh ngày 27/10/2015), mới học lớp 4 trường tiểu học Huyền Trân.
Chị Nguyễn Thị Thảo làm nghề thu gom ve chai, thu nhập không ổn định. Bản thân chị lại thường xuyên đau ốm, tuy không phải là những căn bệnh nặng nhưng nhìn những cuốn sổ khám bệnh từ sổ cũ cho đến sổ mới thì cũng không khó để hình dung tình hình sức khỏe của chị. Có thể nói, gánh nặng của cả gia đình đang đè nặng lên vai chị, một người phụ nữ với sức khỏe yếu nhưng đầy nghị lực. Nhận món quà Tết trên tay tôi, chị run cầm cập, bưng gói quà để trưng trên bàn thờ để cúng cho người chồng quá cố, chị nghẹn ngào nói:
– “Em mừng quá, nên run anh nà. Cả cuộc đời em có bao giờ nhận được món quà Tết to và nhiều như ri mô, chừng ni là đủ cho 3 Mẹ con của em ăn mấy ngày Tết rồi anh ơi”.

Cám ơn cuộc đời đã cho mình nhiều thuận duyên để làm người góp nhặt yêu thương, nhằm có phương tiện và điều kiện để chia sẻ yêu thương đến với những phân đời đang còn vô cùng khốn khó ở quê nhà. Cám ơn Quý Mạnh Thường Quân, Quý Tấm lòng nhân ái luôn quan tâm, hỗ trợ và cùng chúng tôi đồng hành để lan tỏa yêu thương.

Người đi góp nhặt yêu thương
Nguyễn Quang Phục.