Sau khi chúng tôi có thông báo về chương trình học bổng của Phuc’s Fond niên khóa 2024 – 2025: Những ngày sau đó, ban giáo dục và ban khảo sát cứu tế cứu trợ làm việc quá công suất mới có thể giải quyết được số lượng hồ sơ nhiều hơn dự kiến. Lần lượt, chúng tôi đã đọc và chọn lựa những ứng viên thích hợp nhằm tiến hành khảo sát thật tế hoàn cảnh của các em học sinh nghèo hiếu học. Qua đó, ngày 17/6/2024, chúng tôi đã có bài viết với tựa đề: PHUC’S FOND CÓ THÊM 1 HỘ VÀ 9 EM HỌC SINH NGHÈO ĐỂ CƯU MANG HÀNG THÁNG.
Tưởng đâu con số sẽ dừng lại như chúng tôi đã lên kế hoạch và dự án từ trước… Thế nhưng, con số 85 em không đủ để cho chúng tôi cưu mang những phận đời bất hạnh, những em bé cô nhi đang cần tình yêu thương và đùm bọc, đang cần bàn tay chúng tôi dìu bước các em đến trường, để được tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ của mình ở ghế nhà trường và giảng đường đại học, để hy vọng thay đổi số phận của chính mình. Chỉ cần mỗi tháng quý vị giúp cho các em 650.000 VNĐ = 30 USD = 300 KR, như vậy cũng đã đủ để cùng chúng tôi đồng hành, chúng mình cùng dìu bước chân của các em đến trường. Các em là:
1. Em Nguyễn Quốc Anh (19/9/2012). Quốc Anh vốn sinh ra không biết Ba mình là ai, đã hơn 12 năm hiện diện trên cõi đời, nhưng em vẫn chưa 1 lần được gọi tên Ba. Mẹ em, sau những năm tháng đơn độc nuôi con, tuy cố gắng nhưng cuộc sống không như ước nguyện, cái nghèo luôn bám đuổi không hề buông tha. Nên em chấp nhận bước đi thêm bước nữa với hy vọng tình yêu và cuộc sống mới chính là con đường giải thoát cho em lúc này… Chỉ tội cho em Quốc Anh, không có Ba, Mẹ lại biền biệt ra đi… Em như một đứa trẻ mồ côi, bất hạnh ở thế giớ này. Được bà ngoại mang về cưu mang và nuôi nấng, nhưng tuổi bà càng ngày càng lớn, đau ốm liên miên. Hàng tháng, bà phải đi điều trị ở bệnh viện Trung Ương Huế, sức khỏe bà cũng không đảm bảo để chăm cháu hay lo cho cháu lâu dài. Bản thân em Quốc Anh phải tự chăm lo bản thân cũng như phụ bà trong công việc nhà. Gia đình em thuộc diện nghèo khó nhất của xã. Tuy hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng em vẫn luôn cố gắng và rất có ý thức trong học tập. Tổ chức Phuc’s Fond sẽ cưu mang và giúp đỡ em Quốc Anh qua chương trình THẮP SÁNG ƯỚC MƠ, để em ấy có cơ hội được tiếp tục đến trường. Đó cũng là cơ hội duy nhất để em vươn lên, thoát nghèo và ổn định cuộc sống, để em không còn tự ti và mặc cảm với số phận của mình.
2. Em Trần Hùng (11/01/2017). Tuy Ba Mẹ của em Trần Hùng còn trẻ, nhưng đã 2,3 năm nay, ba của em Trần Hùng là anh Trần Văn Hà bị bệnh nặng. Sau một thời gian điều trị tại bệnh viện Đại học Y, tình hình bệnh tật không biến chuyển tốt đẹp mà ngày càng trầm trọng hơn, nên đã chuyển sang bệnh viện Trung Ương Huế để điều trị các chứng bệnh như: Viêm màng não, bệnh đái tháo đường hoàn toàn phụ thuộc vào Insuline, bệnh tăng huyết áp vô căn, bệnh trào ngược dạ dày và nhiều bệnh khác nữa… Theo bác sĩ thì khó mà hồi phục sức khỏe hoàn toàn. Kể từ ngày Ba bị bệnh phải nằm viện, Mẹ cũng không làm gì được ra tiền để nuôi các con ăn học, vì phải thường xuyên vào bệnh viện để chăm sóc Ba nên cuộc sống gia đình đã khổ nay càng khốn khó và bế tắc hơn. Ngôi nhà mà vợ chồng em Trần Văn Hà đang ở là căn nhà TÌNH THƯƠNG đã được chính quyền xây tặng. Cuộc sống hiện nay của cả gia đình chỉ sống phụ thuộc vào tình yêu thương của ông bà nội nay đã ngoài 80 tuổi và bà con lối xóm để đắp đổi qua ngày. Trước mắt, Phuc’s Fond sẽ hỗ trợ em Trần Hùng qua chương trình học bổng Thắp Sáng Ước Mơ để em được tiếp tục cắp sách đến trường, chương trình chỉ dừng lại khi cuộc sống của gia đình em được cải thiện.
3. Em Trần Hữu Hóa (22/01/2010). Ba của em Hóa đã qua đời sau một tai nạn giao thông kinh hoàng vào năm 2019. Từ ngày Ba mất, cuộc sống kinh tế của cả gia đình 5 người đều đặt nặng trên vai người góa phụ trẻ. Mẹ của em chỉ làm nghề may tại nhà, tuy vậy nhưng chị Hằng cũng cố gắng tần tảo nuôi các côn khôn lớn và tạo điều kiện cho con tiếp tục đến trường. Cuộc sống tuy không giàu có nhưng 4 Mẹ con vẫn đắp đổi qua ngày, thế nhưng hai năm gần đây, cơn bệnh VẸO CỘT SỐNG NGỰC LƯNG BẨM SINH của em Trần Hữu Hóa ngày càng trầm trọng phải nhập viện để phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật tuy đỡ một phần, nhưng theo chẩn đoán của Bác sĩ sau hậu phẫu thuật là: VẸO CỘT SỐNG NGỰC LƯNG. Hiện nay, em Trần Hữu Hoá vẫn thường xuyên nhập viện để điều trị. Tuy có bảo hiểm, nhưng chi phí thuốc thang nằm ngoài bảo hiểm vẫn rất tốn kém. Mẹ em cũng phải dừng việc, để chăm em ở viện sau phẫu thuật, em gái học lớp 1 cũng phải gửi nhờ nhà hàng xóm ăn ở ko có người chăm, phải tự lo. Gia đình em Trần Hữu Hoá thuộc diện hộ cận nghèo của xã Lộc Trì. Ngoài em Trần hữu Hóa còn có anh trai Trần Hữu Quý (sinh ngày 25/5/2004) đang theo học nghề và em út Trần Thị Tâm An (18/10/2017) hiện đang học lớp 1. Tuy bị bệnh tật bẩm sinh nhưng em Trần Hữu Hóa luôn cố gắng trong học tập.
4. Em Phạm Khánh Ngọc (15/02/2012). Gia đình của em Phạm Khánh Ngọc có thể nói là vô gia cư, nhà ông Nội lại đông anh em, nên không thể ở nhờ được, vì vậy mà bao năm nay gia đình em cũng sống trong nơm nớp lo sợ, không biết rồi đây có bị đuổi ra khỏi nhà không nữa… Hiện nay, cả gia đình em đang tá túc tại nhà của ông Chú lại. Mới 12 tuổi mà em Khánh Ngọc không thể nhớ nỗi đã bao lần phải chuyển nhà. Tuy Ba Mẹ của em còn sống, nhưng không có công ăn việc làm ổn định, con cái lại đông. Ba của em chỉ là phụ thợ nề thời vụ, còn Mẹ làm giúp việc bưng bê cho một quán cơm, nên cuộc sống của 5 chị em Khánh Ngọc khá vất vả. Ba Mẹ lo đủ miếng ăn, cơm áo cho 5 đứa con còn nhỏ dại đã là một gánh nặng cho người Ba đã lớn tuổi, chứ đừng nói đến chuyện học hành. Gia đình bên Nội quá nghèo lại đông con, bản thân là con Út nên ba của Khánh Ngọc không có một miếng đất để dung thân. Đã vậy, Ba của em đã lớn tuổi, nên thường ốm đau, thu nhập cũng khá bấp bênh. Nhưng thật đáng khen cho cô học trò vùng quê, tuy gia đình nghèo khổ, nhưng em luôn cố gắng học hành để đền đáp công ơn sinh thành, dưỡng nhục của Ba Mạ, nên đã 6 năm liền, em Khánh Ngọc luôn là học sinh giỏi của trường.
5. Lê Nguyễn Hữu Phát (29/04/2015). Đến thăm và khảo sát hoàn cảnh của cháu Hữu Phát khi hoàng hôn đang buông dần xuống làng quê Phú Thanh yên tĩnh. Ngồi dưới hiên căn nhà TÌNH THƯƠNG đã được chính quyền xây cách đây cũng đã hơn 12 năm, nay bắt đầu xuống cấp, bà Lê thị Tuyết (sinh ngày 20/07/1956) bồn chồn lo lắng, bỗng miệng nở nụ cười khi thấy chúng tôi xuất hiện. Qua buổi trò chuyện chúng tôi được biết. Cháu Hữu Phát sinh ra không biết Ba của mình là ai, đó cũng là kết quả của sự bồng bột dại khờ mà cô con gái làng quê phải trả sau một cuộc tình chóng váng, ngay cả người tình cũng không nhớ được tên. Khi cháu Hữu Phát vừa tròn 1 tuổi, Mẹ của cháu giao lại cho Bà Ngoại chăm sóc để phiêu bạt vào Nam và sau đó không lâu thì đã tìm cho mình một niềm hạnh phúc mới. Từ khi lấy chồng, thì nỗi nhớ con cũng vơi đi theo năm tháng. Trước đây, thỉnh thoảng còn gửi cho bà Ngoại một ít tiền để chăm sóc và nuôi nấng cháu. Nhưng từ ngày đi lấy chồng thì đã bao năm nay, chị không còn có trách nhiệm với con của mình đã sinh ra. Thương cháu, nên tuy tuổi đã lớn, bà Ngoại cũng cố gắng làm thuê, làm mướn để nuôi cháu ăn học. Từ tháng 8/2024, Phuc’s Fond sẽ là người bạn đồng hành, tạo điều kiện cho cháu vượt lên bằng sự cố gắng của chính mình.
Một người không thể giúp hết tất cả, nhưng nhiều người cùng chung sức, thiết nghĩ, chúng ta cũng có thể cùng nhau đùm bọc và chia sẻ, cưu mang những phận đời đang cần được xoa dịu một phần nỗi đau của họ. Mong lắm quý ân nhân, quý tấm lòng nhân ái xin hãy cùng chúng tôi làm nhịp cầu đồng cảm qua phương châm: “Giúp người để lan tỏa yêu thương”
Người đi góp nhặt tình nhân ái
Nguyễn Quang Phục