PHUC’S FOND THĂM VÀ TRAO QUÀ TẠI TUYÊN QUANG

Cũng như ngày hôm qua, dự tính ban đầu của chúng tôi không thể thực hiện được vì nhiều lý do, trong đó khách quan có và chủ quan thì không. Qua tìm hiểu và được sự giới thiệu của một số anh chị em nắm rõ tình hình CỨU TRỢ, nên chúng tôi quyết định hôm nay đi Tuyên Quang để cứu trợ. Mỗi một lần thay đổi lộ trình không đơn giản chỉ quay đầu xe và lái mà còn cả một hệ thống mạng lưới của Phuc’s Fond cùng nhập cuộc như: Xe hàng, liên hệ địa phương, liên hệ người bản địa, tìm phương tiện…

Sau khi đã chốt, chúng tôi quyết định đi cứu trợ tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, so với vị trí ban đầu tuy có xa hơn 150 km, trong điều kiện đường xá hư hại, ngập lụt, bùn non… Nhưng đó là một quyết định đúng đắn của những người thật sự có tâm hồn THIỆN NGUYỆN.

Huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang hứng chịu nhưng cơn mưa lớn, nên nước sông Lô, sông Gâm, sông Năng và sông Đáy liên tục dâng cao gây lũ lớn khiến ngập úng nhiều khu vực. Đặc biệt, 2 xã Chi Thiết, Hồng Lạc bị cô lập hoàn toàn. Hôm nay, đoàn Phuc’s Fond đến nơi thì xã Chi Thiết vẫn còn cô lập, có nơi mực nước vẫn còn cao tới 1,5 m, vì vậy mà đoàn vẫn phải đi ghe để được tiếp cận đồng bào tại đây. Xã Hồng Lạc nay nước đã rút và có phần khô ráo sau khi ông trời hành cơn lụt, cho chút nắng vàng để sưởi ấm những phận đời cơ cực, nhưng toàn bộ hệ thống nước sạch bị nhiễm bẩn nên không thể sử dụng được. 2 xã này vốn dĩ là 2 xã còn khó khăn nhất của tỉnh Tuyên Quang, nên sau trận bão lụt kinh hoàng, cuộc sống và cảnh điêu tàn ở đây như đưa 2 xã này trở về thời nguyên thủy.

Bão tố kết hợp với Sơn Tinh không những biến 2 xã này thành đồng không mông quạnh, mà bao nhiêu vốn liếng sau bao đời tích lũy đã trôi theo dòng nước, có người còn vĩnh viễn đi theo dòng nước đục ngầu và cũng chẳng biết họ đang về đâu. Đồng bào vốn đã khổ, nhưng thực trạng những gì đoàn chúng tôi chứng kiến và thấy trước mắt mình càng cho chúng tôi nghẹn ngào muốn khóc. Trong lúc đồng bào thiếu ăn, khát nước như những chúng tôi đã đi qua, con gái của tôi miêu tả:
– “Ba biết không! Hôm qua và hôm nay, chúng con đã chứng kiến cảnh tượng thật phi lý. Khi tụi con đến thì hàng hoá chất ở uỷ ban xã rất nhiều, lúc đầu xã từ chối nhận vì quá nhiều hàng hoá và không cho tụi con tiếp cận vào các khu vực bị cô lập (vì khá nguy hiểm). Nhưng sau 1 hồi thuyết phục thì chị trưởng phụ nữ của thôn đã hỗ trợ 2 ghe thuyền để tụi con đưa hàng hoá vào tiếp tế cho người dân. Đến tận nơi mới hiểu rõ sự tình, là tuy hàng hoá nhiều, thậm chí là thừa, nhưng không đến được tận tay bà con Ba nã. Hoặc nơi nào phát thì người có kẻ không. Khi đoàn mình đến thăm và trao quà tận nơi, nhận được quà ai ai cũng mừng, nghẹn ngào rơi nước mắt…ai ai cũng mừng lắm. Với sự mất mát của bà con, con không biết bao nhiêu mới bù đắp được sự mất mát lớn lao này của bà con. Nhưng có một điều mà Ba của con nên vui, vì họ nói:
– Là chưa thấy đoàn nào cho quà có tâm và có tình, bà con thấy ấm lòng và biết ơn đoàn của mình, chứ những đoàn khác toàn tập kết ở uỷ ban rồi đi hoặc có trao thì trao rất hời hợt (thực trạng này khá nhiều ở các địa phương đó Ba)”.

Tuy đã cố gắng và đặc biệt là được chị em nhà Hằng Thực (chủ tiệm giày ở Sơn Dương, Tuyên Quang) qua sự giới thiệu của anh chị Sơn – Quỳnh. Nhưng vì thời gian không chìu lòng người, đoàn cũng phải quay trở về Hà Nội để trở lại Huế sau 3 ngày liên tục hoạt động.

Chia tay huyện Sơn Dương – Tuyên Quang khi trời bắt đầu ửng hồng và khuất dần cuối trời Tây, trời bắt đầu nhá nhem tối, nhưng đâu đấy, chúng tôi vẫn thấy thấp thoáng nụ cười tạm biệt để tiễn đoàn về lại Cố Đô, thấp thoáng đâu đấy vẫn còn những cánh tay nối dài đang đợi chờ những tấm lòng đồng cảm.

Người đi góp nhặt yêu thương
Nguyễn Quang Phục.