TẠM BIỆT HUẾ CỦA TÔI

Sau gần 6 tuần hàn huyên với nơi tôi oa oa cất tiếng khóc chào đời, nơi Mẹ đã tần tảo nuôi tôi khôn lớn, nơi tôi chỉ sống chưa tới 1/3 cuộc đời, nhưng luôn hằng sâu trong ký ức tôi, chỉ vì đó là Quê Hương. Để rồi lòng mình chùng xuống, cứ xao xuyến, bâng khuâng trước giờ tạm biệt.
Tạm Biệt Huế, chia tay là quá khứ
Chỉ khép hờ, lại mở lúc anh đi
Tạm biệt nhé những cánh tay ôm thật chặt
Anh trở về hóa đá, ngóng năm sau.

Mình cố nén những niềm đau thầm kín, trong đêm thả mình giữa Huế yêu thương, để tìm cho mình những “nét gì rất Huế”, khi thành phố đã chìm sâu vào giấc ngủ, và cứ mỗi bước sải chân, thấy mình khi ẩn, lúc hiện, khi ngắn, khi dài, khi mờ, lúc tỏ… Vẫn thân thể ấy, sao mình lại chập chờn thay đổi theo từng sát na thời gian? Huế của mình như đang “sâu lắng”, bình yên muôn thuở lúc đêm về, và đâu đấy tiếng rao bán hàng dạo:
– Hột vịt lộn
-Bánh mì nóng đây..
– Bánh bao…
Đã tạo nên một không gian “Rất Huế”, để thấy lòng mình sao bỗng bâng khuâng, trước giờ tạm biệt.
Tháng 7, Huế như vừa trải qua một cơn “ác mộng”, thành phố vốn hiền hòa như cô gái Huế thẹn thùng núp sau cánh cửa, bỗng đông đúc, chen chân không lọt. Khách sạn, nhà nghỉ và các dịch vụ phục vụ du khách đều quá tải, Huế với “truyền thống” của những buổi đoàn viên sau: 1 năm, 5 năm, 10 năm và mấy chục năm ra trường… như mẹ già đuối sức. Không khó khăn lắm, để cảm nhận nỗi đau mòn mỏi của anh đạp xích lô, cố ráng sức mình để đưa xe về nhà trọ, tiếng kêu kẻo kẹt, bánh lăn không đều, sau một ngày lam lũ. Cầu Tràng Tiền được dịp nghỉ ngơi, do phải oằn mình cả ngày để đón chân lữ khách, khi đêm về lại khoe mình đài các, kiêu sang với ánh đèn màu trên dòng sông Hương tĩnh mịch, đâu đấy vẫn còn những chiếc đèn hoa đăng cầu may, chưa kịp sóng đánh tan để hóa thành rác, cho dòng sông thêm phần ô nhiễm.

Nếu ta nói mỗi con sông đều mang theo dòng chảy của mình những phận đời và mỗi đời người lại mang trong mình bóng hình của một dòng sông, thì sông Hương luôn gắn liền với những thành quách lâu đài cổ kính, tuy phải chứng kiến bao nhiêu biến đổi lịch sử của đất nước, nhưng Sông Hương vẫn luôn ôm ấp trong mình hình hài của những đấng quân vương. Nhìn sự tĩnh mịch của dòng sông, sự yên lặng khác thường của kinh thành lúc về đêm, tiếng khua nước nhè nhẹ của con thuyền độc mộc…đã đưa mình về với sự trầm tư của Huế và của chính mình trong hơn một tháng qua.

Ừ cũng chỉ hơn 1 tháng mà mình cùng các em trong nhóm Từ Thiện Phuc’s Fond tổ chức không biết bao nhiêu lần cứu trợ. Cứ mỗi một chuyến đi, mắt mình cứ luôn thấm đầy vị mặn, mỗi bước chân sau lời chào tạm biệt, lòng nặng trịch bao ưu tư đang đè nặng trong lòng, có những ngày phải đi cả buổi sáng lẫn buổi chiều cho kịp mang thêm yêu thương đến những phận đời bất hạnh. Dưới cái nắng như thiêu, như đốt của miền trung, đôi lúc đã làm mắt mình hóa mờ và tối về thì nằm co ro vì sốt. Thế nhưng hình ảnh của những phận đời, những phận người cơ cực đã cho mình thêm động lực cho những chuyến đi kế tiếp.

Phuc’s Fond đã đến với tình đồng cảm, không phân biệt màu da, chủng tộc, địa phương hay tôn giáo, không giới hạn của tình yêu thương, chia sẻ… Có chăng, đó chính là sự lựa chọn những hoàn cảnh thương tâm, những phận đời bất hạnh, những con người đang cần tình cảm yêu thương của đồng loại để được sống, được cưu mang và che chở, quan trọng hơn hết là thực hiện phương châm, Phuc’s Fond luôn lấy làm động lực:
HELP TO HELP – GIÚP NGƯỜI ĐỂ LAN TỎA YÊU THƯƠNG.

Đã đến lúc phải nói lời chia tay với những con đường, những con người, những phố phường và thành quách lâu đài của sông Hương, núi Ngự. Tạm biệt những con đường không tên, những phận đời không ai biết đến, những cánh tay vương dài phía trước đang cần sự che chở cưu mang. Tạm biệt nhé, những ánh mắt van lơn, cầu khẩn như trông chờ một phần chia sẻ. Tạm biệt nhé, những dòng nước mắt hạnh phúc, muộn phiền, ngất lên từng cơn khi phải kể về cuộc đời bất hạnh mà quý chị, quý bà đã không may trải qua trong cuộc đời khốn khổ. Tạm biệt nhé những “người điên không biết khóc và những người quá bất hạnh không biết buồn”, vì khi đau khổ đã vượt qua ngôn từ diễn đạt, họ đã hết rồi cảm nhận của khổ đau. Tạm biệt nhé, những em bé thơ ngây, không còn ba mẹ đang được Ông/Bà Nội/Ngoại cưu mang, đang cần tiếp lửa để được tiếp tục ước mơ. Tạm biệt nhé những phận đời oan nghiệt khi không còn lý trí để giũ gìn “bản sắc văn hóa Việt”, nên luôn trần truồng như con nhộng… Tạm biệt những muộn phiền, khổ đau, những thân phận bất hạnh kém may, thiếu phước… mà sức mình không đủ cưu mang hay đưa bàn tay nhằm có thể nối dài sự sống.

Xin tạm biệt những trái tim yêu thương, những sứ giả không màn danh lợi hảo huyền, những con người luôn lấy hạnh phúc của người làm niềm vui cho cuộc sống. Tạm biệt nhé, những tâm hồn, những trái tim luôn vì người và vì tình đồng loại, đã góp thêm cho mình một chút năng lượng tình người để mình có thêm nắng ấm sưởi ấm những phận đời còn trong bóng tối nghiệt ngã của cuộc đời.

Tạm biệt nhé quê hương, đất mẹ đã sinh ra tôi, nơi mình oa oa cất tiếng khóc chào đời, nơi đã làm trái tim tôi thêm nhớ, thêm thương mỗi lần xa Huế. Tạm biệt Huế, khi chia tay chỉ là một quá khứ khép hờ, vì chân chưa bước lòng con đã bần thần nhớ Huế.
Xin hẹn lại Huế yêu trong những lần mang yêu thương về với những phận đời bất hạnh.

Người đi góp nhặt yêu thương
Nguyễn Quang Phục