THĂM 4 HỘ TRONG TỔNG SỐ 50 HỘ NGHÈO CỦA PHUC’S FOND

Cứ mỗi lần về Huế, dù bận rộn thế nào, mình cũng cố gắng sắp xếp thời gian để đến thăm những hộ vừa mới nhận vào chương trình “KẾT NGHĨA YÊU THƯƠNG – CHÉN CƠM ÂN TÌNH” hay còn gọi là các HỘ NGHÈO CỦA PHUC’S FOND. Đến thăm, trực tiếp lắng nghe và tận mắt chứng kiến những phận đời bất hạnh mà mình vẫn thường ví họ là chị Dậu, Chí Phèo, Lão Hạc của thế kỷ 21 này. Để rồi nước mắt cứ rơi và lòng mình chùng xuống trước những phận đời bất hạnh, như những vỡ bi kịch của cuộc đời đang hiện ra trước mắt… Sáng nay, tuy người vẫn còn mệt sau phẫu thuật và lại dính nàng Covid, nhưng đã hứa “tháp tùng” cùng các em nên mình cứ ráng, đoạn đường chưa đầy 100 km giữa trời nắng hạ, cũng đủ để lại cho thân mình thêm những giây phút “cuồng si” vì cơn sốt miên man giữa thành phố Huế.

1. Em Trương Văn Quả (sinh ngày 20/10/1983).
Địa chỉ thường trú: Phường Thuỷ Phương, thị xã Hương thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hoàn cảnh của em thật thương tâm, đúng với thành ngữ: “Gà trống nuôi con”. Khi đứa con thứ 2 vừa mới ra đời, hoàn cảnh gia đình túng quẫn và người chồng đối diện với cơn bệnh thâm niên, nên vợ của em Quả lặng lẽ bỏ nhà ra đi. Đã hơn 6 năm nay, chị chưa hề quay trở lại, mặc cho hai đứa con mỏi mòn trông ngày trở về của Mẹ, riêng cháu Phương Tuyền chưa hề biết mặt mẹ mình ra sao và con chưa một lần được gọi tiếng “Mẹ ơi” tròn trĩnh. Cháu Phương Uyên cũng không hơn gì em gái của mình, Mẹ bỏ nhà ra đi khi em vừa mới 2 tuổi nên trong ký ức của cuộc đời em chỉ có Mẹ trong mơ. Anh Quả bị bệnh mãn tính về máu Thalassaemia, định kỳ hàng tháng phải đến bệnh viện để kiểm tra, bổ sung máu kịp thời, nên người luôn xanh xao, yếu ớt.
Tuy bệnh nặng, nhưng em Quả vẫn cố gắng đi làm thợ sơn nhà để kiếm tiền nuôi con. Bệnh tật cứ ngày đến ngày đi, công việc thì khi có, lúc không nên thu nhập không ổn định. Để bù đắp tình mẫu tử của hai con, em Quả cố gắng dành dụm để xây được căn nhà cấp 4 cho ba cha con ở tạm, nhưng trong nhà chẳng có chi giá trị… Bếp núc thì lạnh tanh, chẳng có thứ gì dự trữ. Nhìn em Quả bần thần tiếp chuyện, đâu đấy thoáng hiện một chút muộn phiền trước cuộc tình tan vỡ, tôi mạnh dạn hỏi:
– Thế vợ em bỏ đi vậy mà em có biết đi đâu không? Hiện nay tình hình của em ấy ra sao?
Yên lặng một lúc, em trả lời tôi trong dòng nước mắt”
– Dạ, lúc hai vợ chồng còn sống chung, vợ em cũng đã ngoại tình với người ta rồi, đến khi em bị bệnh, biết không thể điều trị hết được, nên cũng là cái cớ cho vợ em bỏ nhà ra đi theo người tình mới, nghe đâu họ đã có 2 người con rồi anh…
Ừ em ấy cứ đi, để cho những giọt nước mắt muộn phiền đơn độc của em Quả lại âm thầm nhỏ giọt mỗi khi đêm về, để cho hai đứa trẻ thiếu vắng tình thương, thiếu chất dinh dưỡng cứ dần còi cọt theo ngày tháng.

2. Vợ chồng em Phan Văn Hiền (54 tuổi)
Địa chỉ thường trú: Xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hai vợ chồng em Hiền đều là những đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi, giữa lúc hỗn độn, loạn lạc trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến. Hai trẻ mồ côi bị bỏ rơi không cha, không mẹ, không họ hàng thân thích đã trở thành đôi bạn tri kỷ và kết duyên vợ chồng khi mọi duyên lành đã hội đủ… Thương thay cho hai trẻ, trải qua những biến động quá lớn của cuộc đời, em Phan Văn Hiền trở thành trầm cảm, bệnh tình ngày trở nặng và việc gì đến cũng đã đến… hai vợ chồng em bị bệnh tâm thần nặng… và đứa con trai duy nhất của vợ chồng em cũng không thoát được sự hành hạ, đọa đày của số phận, cháu cũng bị tâm thần như Ba Mẹ. Cả gia đình ba người chỉ sống dựa trên việc lượm lặt ve chai và rác rưởi của người vợ để sống qua ngày.
Hộ em Hiền đã được Phuc’s Fond giúp đỡ hơn 11 năm nay, hôm nay đến thăm lòng tôi chợt buồn vô hạn, khi biết em Hiền đã được đưa vào trại tâm thần, em Phương (vợ của em Hiền) đang đi lượm ve chai và cháu Phan Văn Xên thì “trú mình” dưới đống chăn vừa lượm được…

3. Chị Phan Thị Triễn (sinh năm 1987)
Địa chỉ thường trú: Thôn 2, xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Từ khi mới lọt lòng, em đã mang trong mình căn bệnh TÂM THẦN. Gia đình của em vốn thuộc hộ nghèo của xã Vinh Thanh, ba của em qua đời sau một thời gian bạo bệnh, cuộc sống của gia đình từ đó đều phụ thuộc vào sự tần tảo, cùng cực lo toan của người Mẹ bằng nghề cắt cỏ nuôi các con khôn lớn. Đều đáng nói là em Phan Thị Triễn, tuy mang trong mình cơn bệnh Tâm Thần, nhưng với sự dìu dắt của Mẹ, em vẫn thường cùng mẹ ra đồng cắt cỏ, nhằm có thêm thu nhập cùng Mẹ nuôi các em còn nhỏ dại. Mẹ ngày thêm lớn tuổi, thường ốm đau, bệnh tật và từ đó em Triễn vẫn thường ra đồng một mình cắt cỏ… Và chính những lúc em không có Mẹ để bảo vệ khi cần, là những lúc em trở thành “miếng mồi” ngon của những kẻ “cuồng dục”… Và kết quả là hai đứa con lần lượt ra đời, không biết cha mình là ai và trên tờ giấy khai sinh của chúng, mục khai về NGƯỜI CHA hoàn toàn bỏ trống, các con mang họ Mẹ đó là: Phan Thị Thảo (4 tuổi) và Phan Thị Hồng Vân (2 tuổi).
Các con không cha, Mẹ lại mang bệnh Tâm Thần, ngay cả chính mình còn không tự chăm sóc được, làm sao có đủ khả năng để nuôi các con khôn lớn, vì vậy mà từng bữa ăn hay hộp sữa của 3 mẹ con em, đều trông chờ dựa vào lòng hảo tâm của bà con thôn 2, xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang.

4. Em Bùi Thị Kim Duyên (sinh năm 1982).
Địa chỉ: Thôn Phụng Chánh, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Em Kim Duyên quê ở thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, đông chị em, nên cuộc sống vốn khắc khổ và gặp nhiều khó khăn. Cách đây 16 năm, em gặp một chàng trai thanh niên gốc Thừa Thiên Huế, đầy nhiệt huyết, nghị lực và cần cù, chịu khó. Từ đó, hai người đến với nhau, tuy nghèo nhưng gia đình em cũng giúp cho vợ chồng một căn nhà để làm nơi che nắng tránh mưa… Sau một thời gian chịu khó làm ăn, khi cuộc sống tạm ổn định, đó cũng là lúc 4 đứa nhỏ ra đời sau một thời gian rất ngắn.
Từ khi các con ra đời, kinh tế của đôi vợ chồng trẻ bắt đầu xuống dốc. Ba mẹ của em cũng mất sớm vì bệnh tật, nên em hoàn toàn tứ cố vô thân. Chồng của em Kim Duyên là Nguyễn Đức Linh (sn 1982) quê ở thôn Phụng Chánh, xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, đã mất hết niềm tin khi cuộc sống ngày càng đi vào ngõ cụt, từ đó chán nản với cuộc sống khó khăn, nên đã rời xa mẹ con em Kim Duyên và tìm cho mình một tình duyên mới.
Đã nhiều năm qua, cả 5 mẹ con đều sống chui rúc trong căn lều che tạm, vật dụng trong nhà không có gì đáng giá, tất cả đều là đồ phế thải, do em nhặt được trong lúc đi bán vé số mưu sinh hay những lúc đi lượm ve chai để nuôi các con khôn lớn. Năm 2021, được sự tài trợ của chị Vi Nguyen, Phuc’s Fond xây cho Mẹ con em một căn nhà TÌNH THƯƠNG.
Từ khi căn nhà TÌNH THƯƠNG được xây, nó trở thành một miếng mồi ngon cho người cha đầy ích kỷ với lòng tham không đáy, muốn đuổi 5 Mẹ con của em Kim Duyên để làm chủ căn nhà. Nhờ Phuc’s Fond can thiệp với chính quyền địa phương kịp thời nên căn nhà TÌNH THƯƠNG vẫn luôn là nơi hạnh phúc cho những phận đời bất hạnh.
Đến thăm khi người mẹ đang dạo khắp ngang cùng ngỏ hẻm để bán vé số. Nhìn 4 đứa trẻ thiếu chất dinh dưỡng, gầy gò ốm yếu, tự lo và chăm sóc cho nhau, nhìn lên bàn thờ, sự hiện diện của em Nguyễn Đức Linh (chồng của em Kim Duyên) tôi chợt buông tiếng thở dài.
– Có phải hạnh phúc đã thật sự đến với gia đình em Kim Duyên?

Người đi góp nhặt yêu thương
Nguyễn Quang Phục