Sau những ngày liên tiếp rong ruổi từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế để kịp trao gần 300 suất quà đến các hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn và những phận đời còn khốn khó. Hôm nay, thứ ba ngày 6/2/2024, tức là ngày 27/12 ÂL, Phuc’s Fond tiếp tục lên đường để trao gần 100 suất quà Xuân Nghĩa Tình đến bà con dân tộc thiểu số tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế và xã A Vương, thuộc huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.
Mặt trời chưa kịp hừng đông, tiếng gà chưa gáy, chúng tôi đã lặng lẽ rời xa Huế, xa sông Hương, khi dòng sông vẫn còn ngái ngủ, khi màn sương mỏng manh như dải lụa phủ nhẹ trên mái tóc dịu dàng của cô gái Huế chưa tan, khi thành quách lâu đài vẫn còn kịp in hình trên dòng sông tĩnh mịch. Chúng tôi hướng A Lưới thẳng tiến, quãng đường chưa đầy 100 km vậy mà chúng tôi phải thức dậy từ sáng sớm để đến kịp với đồng bào khi cơn nắng cuối đông chưa kịp tắt. Rời quốc lộ 1, xe chúng tôi tiếp tục hành trình trên QL49 và sau cùng là rẽ vào cung đường QL14.
Trước đây, đến A Lưới phải mất gần 5, 6 giờ đồng hồ mới đến, nay tuy đường sá đã được đầu tư và xây dựng, nhưng những cung đường cheo leo, gập ghềnh, đôi lúc tưởng chừng lơ lững giữa 9 tầng mây, có thể rơi xuống vực thẳm lúc nào không biết, mới thấy được địa lý hiểm trở của vùng đất A Lưới. Điều đáng nói, suốt trên đoạn đường gần 70 km của dãy Trường Sơn hùng vỹ, mà đau điếng lòng vì sự tan hoang của những cánh rừng không lá, những dãy núi không còn mảnh áo che thân…mới thấy được sự tàn ác của con người đến lạ.
A Roàng là một trong những xã biên giới của huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, đứng ở bên này có thể nghe tiếng gà gáy vang vọng từ bên kia nước bạn, hầu hết người dân ở đây là người dân tộc Tà Ôi (chiếm 91%) cùng người Cơ Tu, người Kinh sinh sống. Nhiều năm trở về trước, A Roàng cũng như các xã miền núi khác của A Lưới, đã được chính quyền địa phương cố gắng đầu tư để bà con phát triển kinh tế, nhưng dù nơi này đã bắt đầu thay da đổi thịt, nhưng vì là xã nghèo khó nhất huyện A Lưới, thanh niên trai tráng ở đây, thường bỏ học để đi làm thuê tại các bãi vàng, hoặc tại các rẫy cà phê, công trình thủy điện. Đến với A Roàng lần này chúng tôi mang theo 30 suất quà Xuân Nghĩa Tình để trao tận tay của những hộ còn khó khăn nơi vùng quê biên giới.
Chia tay A Roàng khi ánh nắng chưa lên đỉnh đầu, để tiếp tục hành trình đến với xã A Vương, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Tuy 2 xã thuộc 2 tỉnh khác nhau, nhưng khoảng cách địa lý giữa A Roàng và A Vương tính theo đường chim bay chưa đầy 100km, nhưng xe phải chạy ngoằn nghèo, loanh quanh trên các cung đường hiểm trở gập ghềnh hơn 3 giờ đồng hồ mới đến địa điểm trao quà.
Tuy những năm gần đây, A Vương đã thay đổi đáng kể, nhờ những phát triển hạ tầng cơ sở đồng bộ thôn bản. Tuy nhiên, thôn Arec, xã A Vương, một xã vùng thấp nhất của Tây Giang, mật độ dân số đạt 13 người/km² vẫn còn gặp nhiều khó khăn, xã A Vương nằm trong những xã nghèo nhất Việt Nam hiện nay, với hơn 500 hộ sống trong địa bàn của xã thì hơn 50% của số hộ này vẫn nằm trong hộ nghèo theo tiêu chí của chính phủ Việt Nam. 100% đồng bào ở đây thụôc dân tộc Cơ Tu, ngôn ngữ trao đổi hàng ngày vẫn là Cơ Tu, nên khi họ nói tiếng Biệt vẫn còn lơ lớ. Nhà cửa vẫn còn dột nát, thô sơ và tạm bợ.
Nhận những món quà từ tổ chức Phuc’s Fond trao tặng, bà con hạnh phúc không nói nên lời. Một trong những người nhận quà hôm nay, bà A Rre cảm động, hạnh phúc, nghẹn ngào nói:
– “Quà của Phuc’s Fond nhiều quá, ôm không hết, chưa bao giờ tôi được nhận nhiều như hôm nay. Cám ơn tổ chức Phuc’s Fond nhiều lắm”.
Đến với A Lưới và Tây Giang hôm nay, chúng tôi trao 85 suất quà Xuân Nghĩa Tình, mỗi suất quà gồm:
1 bao gạo 10kg ; 1 hộp bánh ngon; 1 chai nước mắm; 1 chai dầu ăn; 1 hộp trà ngon; 1 bì hạt nêm; 1 bịch kẹo; ½ kg mứt gừng; ½ kg mứt dừa ; ½ kg đậu xanh; 1 kg đường; 2 kg nếp ngon; 1 chai xì dầu; 2 cặp bánh chưng; 1 cái chăn bông và thêm 1 phong bì 200.000 VNĐ tiền mặt.
Mỗi suất quà trị giá 1.000.000 VNĐ/ suất.
Những giọt nước mắt hạnh phúc, những nụ cười xóa vết chân chim già nua trên những khuôn mặt hốc hác, những ánh mắt ngây thơ như đón cả bầu trời yêu thương vào lòng để được vỡ òa hạnh phúc. Cũng đủ nói lên nét đẹp nhân văn của chương trình Phuc’s Fond – Xuân Nghĩa tình. Vì nó thật sự như chúng tôi đã ước nguyện:
“Một cánh én không làm nổi mùa xuân
Một bàn tay không gây thành tiếng vỗ
Trong tim tôi vẫn có còn một chỗ
Góp tình người để lan tỏa yêu thương”.
Xin cám ơn anh chị Ky Nguyen và quý chị Tú, Hương đã tạo thuận duyên cho chuyến đi manng yêu thương đến với đồng bào tại xã A Vương, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam thành công như ý nguyện.
Người đi góp nhặt yêu thương
Nguyễn Quang Phục