KHÔNG CÒN NHỚ NGÀY THỨ MẤY Ở HUẾ – THĂM QUÊ HƯƠNG PHÚ HẢI

Cứ mỗi ngày trôi qua, mình lại có thêm những hình ảnh của những phận đời bất hạnh, qua lăng kính của “Người đi góp nhặt yêu thương”. Hành trình của mình mỗi ngày mỗi khác, từ những con đường không tên đến những ngõ hẻm không đủ cho hai chiếc xe máy tránh nhau. Tuy hành trình và địa điểm khác nhau, nhưng họ đều là những phận người, phận đời cần lắm sự cưu mang và hỗ trợ của cộng đồng và xã hội.

Với họ, chỉ cần một lời động viên thăm hỏi đã đủ để họ cảm nhận được hơi ấm tình người, khi cuộc đời họ vốn đơn độc, quạnh hiu, không con cháu hay họ hàng thân thích, và sự nghèo đói, bần hàn luôn là “người bạn trung thành” đeo bám suốt cuộc đời của họ.
Với họ, chỉ cần một chén cơm đầy, vài cọng rau xanh, một miếng cá kho… đã là niềm vui khó tả.
Hôm qua ngày 18/7, giữa cơn nắng gắt của Miền Trung khi vào hạ, từng tia nắng chói chang mang theo hơi nóng như muốn thiêu rụi mọi thứ, nắng ở đây có thể làm cháy da, nhuộm màu chỉ sau vài giờ, rứa mà mình cứ bon bon trên con đường gần 100 km… nên về đến nhà là người muốn sốt. Tuy mệt mỏi nhưng chứng kiến những phận đời, phận người và lắng nghe lời tâm sự, nguyện cầu của họ, cơ thể mình như được tiếp thêm nguồn năng lượng dồi dào.
Chị Nguyễn Thị Út (sinh năm 1955)
Địa chỉ: Kế Thượng Thanh, Phú Diên, Phú Vang, Thừa Thiên Huế.
Chị sinh ra trong một gia đình nho giáo, truyền thống hiếu học và giúp người như bám vào gốc rễ của gia đình chị. Chị có tất cả là 5 anh chị em, ai ai cũng học giỏi và có địa vị xã hội… Đặc biệt là anh Hiền, sau này người địa phương vẫn gọi anh với cái tên vô cùng trìu mến là Bác sĩ Hiền. Thời ấy (năm 1968), cậu trai làng ở miền quê duyên hải đậu vào Đại Học Y, không chỉ là niềm tự hào của gia đình mà còn là niềm vinh dự cho cả một làng quê hẻo lánh bên phá Tam Giang. Sau này, anh trở thành Bác sĩ chuyên khoa tại Bệnh viện Trung Ương Huế. Cả cuộc đời anh thật xứng đáng với danh hiệu Người Thầy Thuốc. Khi về hưu, anh vẫn luôn tư vấn, khám và điều trị bệnh miễn phí… Cho nên, khi anh nằm xuống cách đây 5 năm, thì ngay cả căn nhà của Ba Mẹ mình, anh cũng chưa trùng tu như ước nguyện… Và chị Nguyễn Thị Út, người em của anh vẫn sống trong căn nhà đang xuống cấp trầm trọng.
Với người làng Kế Sung Thượng (sau đổi tên là Kế Thượng Thanh) và Cự Lại (làng Tài) thì chị Út là một cô giáo làng đúng nghĩa. Tuy chị không tốt nghiệp ngành Sư Phạm, nhưng với trình độ Tú Tài lúc bấy giờ, cũng đã đủ cho tâm huyết của chị sôi sục trước vấn nạn thiếu học của thế hệ Mầm Non. Được sự hỗ trợ của quý anh chị em trong gia đình, chị đã mở lớp Mầm Non miễn phí, với mong ước nâng bước chân các em vùng quê vào trường, mà không gặp phải sự bỡ ngỡ nào trước những trang sách đầy chữ, và những con số cứ nhảy múa trước mắt mình… Nhờ vậy mà biết bao thế hệ của hai thôn: Cự Lại và Kế Sung Thượng đã được bàn tay, khối óc của chị dẫn dắt vào đời.

Ngồi đối diện với chị, lắng nghe những lời tâm sự mà lòng mình cứ buồn miên man, chị Út không may mắn như mọi người, cô gái có học thức, khuôn mặt dễ thương và đầy nghị lực. Sinh ra với một chút dị tật bẩm sinh, nên bước chân của chị tuy chỉ khập khiễng một chút cũng đã đủ cho các chàng trai xa lánh chị… Thế nên, mặc dù chị đã cận kề 70 tuổi vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai. Chị vất vả dẫn tôi đi thăm căn bếp đang xuống cấp trầm trọng, mái ngói đang bắt đầu trụt xuống vì những thanh tre giữ ngói đã mục nát, trên đỉnh nhà đang được che tạm một tấm bạt lớn, nhưng cũng không ngăn được dòng nước mỗi khi mưa lớn… Những lúc như vậy thì khó mà phân biệt ở ngoài hay ở bên trong của căn nhà, vì tất cả đều sũng nước. Đôi khi, chị vừa đội nói vừa mặc áo mưa để nấu cơm, nhiều lần mưa quá, chị đành nhịn đói. Nhìn căn nhà đang xuống cấp và người đàn bà đang đi vào những ngày tháng cuối đời còn lại, sao mà lòng mình cứ buồn miên man… Ước chi những học trò cũ của chị thương chị, như ngày nào chị thương chúng, ước chi những tấm lòng nhân ái khác hy sinh một chút hạnh phúc của riêng mình, như chị và gia đình chị đã hy sinh cuộc đời mình cho cộng đồng và xã hội, để mình có đủ chi phí cải tạo và sửa sang lại căn nhà cho chị.

Tạm chia tay chị Nguyễn Thị Út, mình đến thăm Mệ Huỳnh Thị Thương sinh năm 1930 (92 tuổi). Vừa dừng xe, mình đã ngạc nhiên và hỏi cháu Mộng Vân:
– “Răng mà nhà cao, cửa rộng như ri mà mình lại giúp hộ nghèo?”
– Không phải mô Cậu, nhà của Mệ Thương nhỏ chút xíu thôi Cậu…
Giống như lời cháu Vân giải thích, không những đã nhỏ mà còn nhỏ hơn sự tưởng tượng của mình. Căn nhà của Mệ Thương tàn tạ, ẩm thấp, khiêm nhường, núp mình giữa những căn nhà khang trang, rộng lớn bao bọc xung quanh; nên khi mới đi vào, mình cứ tưởng đó chỉ là nhà vệ sinh của những căn nhà hàng xóm…

Theo cháu Mộng Vân kể thì Mệ Thương không còn ai thân thích và cuộc đời của Mệ luôn mãi mã là Người tình của chính mình gần 100 năm nay, Mệ không chồng, không con, không một mối tình vắt vai… Khi tôi đến, Mệ đang nằm co quắp, thu mình lại nhỏ nhất có thể, để chiếc quạt máy ,giúp cho thân gầy của mệ được gió thổi mát giữa trưa hè nắng gắt. Cả căn nhà chỉ đủ kê một chiếc giường nhỏ, bao nhiêu áo quần và gia tài của Mệ để trên một góc giường, còn lại là nơi cho Mệ nằm khi muốn ngã tấm thân gầy của mình cho đỡ mệt… Và Mệ cứ nằm hết ngày này qua tháng nọ, chẳng có ai hỏi thăm, chăm sóc hay chia sẻ với mệ, Mệ có đứa cháu họ hàng xa duy nhất, là người thỉnh thoảng nấu cho Mệ ăn, dọn dẹp căn phòng để bớt mùi hôi nồng khó chịu.
Nói chuyện với Mệ phải la thật to, phải gào thật lớn, Mệ mới nghe được, nhưng qua đó, mình cũng hiểu được nỗi niềm tâm sự của Mệ:
– “Tui già rồi, nên cũng không mong ước và đòi hỏi chi nữa, hội giúp cho tôi có miếng ăn, cái mặc như ri là tui hạnh phúc lắm rồi, mỗi khi các cháu đến thăm, cũng cho tui bớt tủi thân chú nã. Cám ơn chú, cám ơn hội đã cho tôi một phần ý nghĩ của cuộc đời ni…”.

Chia tay Mệ Thương, chị Út… để tiếp tục đi thăm vài hộ khác. Những hình ảnh của họ cứ đập vào mắt tôi và khi lên đến Huế, thì trời cũng nhá nhem tối. Ôi thương quá những phận đời, phận người bất hạnh và khi rời xa họ, nước mắt tôi đã nhầy nhụa, ánh điện đường của Huế vào đêm đã không còn đủ ánh sáng để đưa tôi về nhà. Chia tay với các em, tôi thẫn thờ tìm đến ghế đá công viên trên đường Lê Lợi, tưởng đâu sự dịu hiền, trầm mặc của Huế sẽ làm hồn tôi lắng lại… Rứa mà những âm thanh, điệu hò Huế phát ra từ những chiếc thuyền rồng để làm vui lòng lữ khách, không đủ sức để giữ tôi lại… Tôi đứng dậy như kẻ mất hồn phóng xe giữa đoàn người tấp nập, khi Huế đã qua rồi hoàng hôn, để trốn chạy những cảm giác lạc lõng giữa phồn hoa của thành phố Huế lúc lên đèn.

Người đi góp nhặt yêu thương
Nguyễn Quang Phục