LỄ KHỞI CÔNG XÂY DỰNG 3 NHÀ TÌNH THƯƠNG VÀ 1 HỆ THỐNG NƯỚC SẠCH CỘNG ĐỒNG TẠI ĐAKRÔNG

Như chúng tôi đã đưa tin, sau khi được anh chị Kỳ Nguyen – Tram bày tỏ được cùng Phuc’s Fond chia sẻ và hỗ trợ kịp thời những hoàn cảnh thật đặc biệt khó khăn, cần sự quan tâm của cộng đồng và xã hội. Hôm nay, chúng tôi đã có chuyến thăm và lần lượt làm lễ khởi công xây dựng những ngôi nhà tình thương và giếng nước cộng đồng cho các hộ và địa phương sau đây:

1. Hệ thống nước sạch cộng đồng:
Tại thôn Húc Nghì, xã Húc Nghì, nằm về phía Bắc của dãy núi Trường Sơn, có hai khu vực dân cư sinh sống. Khu vực chính nằm trên trục đường QL14, gồm có 61 hộ dân và khu vực thứ hai là khu tái định cư thôn Húc Nghì gồm có 113 hộ dân; phía Bắc giáp với xã Tà Long, phía Nam xã Tà Rụt, phía Tây giáp với xã Pa Nang, phía Đông giáp với thôn Ba Bảy. Thôn có 174 hộ, 761 nhân khẩu, 102 hộ nghèo, 06 hộ cận nghèo chiếm 62%.
Đời sống của bà con nơi đây gặp rất nhiều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, bà con sử dụng các nguồn nước sông ĐaKrông, suối cách khu dân cư bà con sinh sống hơn 1 km, việc lấy nước của bà con rất vất vả và khó khăn, đi xa và leo dốc, xuống sông, suối để xách từng can nước về sử dụng ăn, uống, vệ sinh cá nhân.
Dòng sông này, trước đây được mệnh danh là “dòng sông hoa lửa”. Ngày nay, dòng sông lại nắn dòng chảy, do những trạm thủy điện mọc chi chít ở đầu nguồn… Ngoài ra, “vết thương chiến tranh” vẫn chưa khắc phục, nguồn nước vẫn còn nhiễm chất độc da cam, nạn đãi vàng trái phép đầu nguồn với những hóa chất độc hại được sử dụng tràn lan, và việc sử dụng thuốc bảo quản thực vật trên nương rẫy… đã làm cho dòng sông này đang dần ngấm đầy độc tố.

Vì phải sử dụng nguồn nước “đầy độc tố” ấy, nên tình hình sức khỏe cộng đồng của bà con nơi đây trong thời gian qua đang ở mức báo động đỏ, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ mang thai là những đối tượng tổn thương trầm trọng nhất. Hiện nay trên địa bàn thôn có nhiều người mắc các bệnh suy thận, ung thư và nguy cơ mắc các bệnh khác vẫn tiềm ẩn rủi ro đến sức khỏe của bà con.

2. Nhà TÌNH THƯƠNG:
Song song với tiến hành khảo sát nhằm khởi công xây dựng hệ thống nước sạch cộng đồng, chúng tôi cũng rà soát một số hoàn cảnh thương tâm, chưa có nơi ăn, chốn ở ổn định để xây nhà TÌNH THƯƠNG, giúp họ ổn định đời sống và có nơi để che nắng, tránh mưa khi hạ về, đông đến.
a) Bà: Hồ Thị Hêng, sinh ngày 01/01/1952 năm nay đã 72 tuổi. Hiện cư ngụ tại: Thôn A Dang, xã A Ngo, Huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị. Bà có tất cả là 3 người con gồm:
Hồ Văn Đêm (27 tuổi); Hồ Văn Đôi (26 tuổi) và Hồ Thị Đội (25 tuổi). Ba người con của bà lần lượt bỏ gia đình đi lang bạt khắp nơi để kiếm miếng cơm manh áo, đã bao năm nay không hề về thăm gia đình và bà cũng chẳng biết chúng nó ở đâu. Đã vậy, trước khi ra đi các con của bà để lại cho bà 3 đứa cháu cho bà chăm sóc. Các cháu của bà đến tuổi ăn, tuổi học và còn nhỏ dại, nên tuy bà đã lớn, nhưng cũng cố gắng bươn chãi, làm lụng, ai thuê chi làm nấy, nếu không có ai thuê thì bà làm nương, làm rẫy để kiếm tiền nuôi các cháu ăn học. Thế nhưng tuổi bà càng ngày càng lớn, sức cùng lực tận… Vì vậy mà cuộc sống của bà ngày càng đi vào bế tắc.
b) Em Hồ Cu Tưm, sinh ngày 01/01/1974 ở thôn A Bung, xã A Bung, huyện ĐaKrông, tỉnh Quảng Trị. Khi đoàn chúng tôi đến thăm để trao quà, thì vợ của em đã bồng cháu út về nhà ngoại xin ăn, chỉ còn lại hai cha con em Tưm trong căn phòng ẩm thấp, dột, nát và mùi hôi bùn đất như tạo nên không khí ngột ngạt bao trùm khắp cả căn nhà.
Trước đây em Hồ Cu Tưm là lao động chính của gia đình, nhưng đã hơn 3 năm nay em bị bệnh ung thư phổi, không đi làm được, chỉ dựa vào tình yêu thương và chăm sóc của vợ, sự giúp đỡ và chia sẻ của bà con bản làng.
Trong lúc đó, vợ của em là Hồ Thị Rớt (sinh năm 1997) bận nuôi con nhỏ và chăm sóc chồng, nên cũng không làm gì được, ngoài bồng con đi xin ăn khắp các bản làng lân cận, ai cho chi ăn nấy và cả nhà chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng, xã hội.
c) Em Hồ Thị Han, thôn Vực Leng xã Tà Rụt. Chồng của em mất sớm, với đồng bào dân tộc thiểu số, thì em chính là một mẫu người phụ nữ “xưa nay hiếm”. Tuy chồng chết khi em còn quá trẻ, nhưng vẫn ở vậy nuôi con, và lo cho các con ăn học. Em có tất cả 4 người con, cô con gái đầu lòng đã đi lấy chồng xa nhà, đứa con trai thứ hai vì nhà nghèo nên phiêu bạt vào Nam kiếm miếng cơm manh áo, đã bao năm nay rồi người mẹ cứ ngồi ngóng bóng hình con, nhưng em ấy đi biền biệt vẫn chưa về… Còn lại hai đứa con bên mình, em luôn cố gắng bươn chải, làm lụng vất vả, ai thuê gì làm đó để nuôi hai con ăn học. Hai cháu cảm nhận và thấu hiểu sự hy sinh của Mẹ, nên học hành chăm chỉ, nhiều năm liền được nhà trường công nhận là học sinh xuất sắc. Riêng em Hồ Thị Bép sinh năm 2002, đang học lớp 12, là niềm tự hào của dân bản, em luôn siêng năng học giỏi và ước mơ trở thành cô giáo, mang cái chữ về dạy cho trẻ em vùng cao biên giới.

Hoàn cảnh thương tâm của 3 hộ: Hồ Thị Hêng, Hồ Cu Tưm và Hồ Thị Han đã được chúng tôi quyết định xây nhà TÌNH THƯƠNG, để từ nay 3 hộ này được sống trong yêu thương và đùm bọc của những tấm lòng nhân ái. Toàn bộ chi phí cho chương trình xây dựng nhà TÌNH THƯƠNG và HỆ THỐNG NƯỚC SẠCH CỘNG ĐỒNG lần này, đều được anh chị Ky Nguyen – Trâm trước mắt là sẽ tài trợ hoàn toàn mọi chi phí, sau đó sẽ đứng ra kêu gọi và vận động cộng đồng người Việt tại Hampton cùng anh chị chung sức, nhằm cưu mang và xoa dịu một phần nỗi đau của những phận đời bất hạnh.

Người đi góp nhặt yêu thương
Nguyễn Quang Phục