THƯƠNG THAY CHO MỘT PHẬN ĐỜI

Chúng tôi biết đến Chú, qua chương trình “XUÂN NGHĨA TÌNH”, nhằm giúp các hộ nghèo có quà xuân đón Tết, và kể từ tháng 2/2016 hộ gia đình Chú: Nguyễn Văn Tường, sinh năm 1928. Địa chỉ thường trú: 6/1 kiệt 13 Đào Duy Anh, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, đã chính thức được Phuc’s Fond hỗ trợ và giúp đỡ háng tháng.

Lần đầu tiên tôi được em Quốc Tri , trưởng ban Cứu Tế Cứu Trợ của Phuc’s Fond, hướng dẫn đến thăm chú vào tháng 7/2016. Hình ảnh người đàn ông lúc nào cũng gọn gàng, ngăn nắp, áo quần chỉnh tề… giữa căn nhà đang xuống cấp trầm trọng. Tiếp chuyện với chú, càng làm cho tôi cảm phục hơn, về đức hạnh, phong cách, của một con người…Càng thấm thía hơn câu tục ngữ:
-“Đói cho sạch, rách cho thơm”
Hoàn cảnh dẫu có nghèo nàn, khốn khó, nhưng không phải vì vậy mà đánh mất lý trí, đào hạnh của một con người. Chú thím ở với 2 người con và một đứa cháu ngoại. Anh Nguyễn Văn Ngọc (48 tuổi), chị Nguyễn Thị Thuyết (46 tuổi) và cháu Nguyễn Thanh Bình. Tuy nhiên, cả 2 người con đều không được bình thường. Anh Ngọc thần kinh không ổn định, mỗi ngày đi làm thuê kiếm vài chục ngàn rồi lại mua rượu uống, vợ anh cũng bỏ đi đã lâu. Có lần tôi đến thăm khi em Ngọc đang ngồi một mình uống rượu, bên cạnh có một cái rựa, tôi ái ngại nhìn chú, chú hiểu cảm giác bất an của tôi nên nói:
-Hắn tuy nát rượu, nhưng vẫn còn lý trí anh nã, tui thương hắn lắm, vì đó cũng là một nghiệp chướng mà con tôi phải mang, lương tâm tôi cũng phải chịu, mình không giúp được cháu, thì hãy thương nó thì đúng hơn, phải không anh?
Vừa nói chú vừa chỉ vào đứa con trai đáng thương của mình nói tiếp:
-Ước chi cho tôi gánh hết nổi khổ của hắn, để hắn sống như một con người bình thường và hoàn thiện hơn, thì tốt biết mấy.

Và sau hơn 2 năm không về do Covid 19, lần này đến thăm, tôi không còn thấy em Nguyễn văn Ngọc nữa, hỏi ra mới biết, em ấy đã qua đời sau cơn bạo bệnh. Ngoài em Ngọc ra, Chú thím còn có cô con gái tên là Thuyết, chị bị tâm thần, hay đi lang thang nên đã sinh ra cháu Bình mà không biết ba của cháu là ai. Ông bà thì già yếu, 2 người con thì một người đã qua đời và người còn lại khi tỉnh khi mê. Sau hơn 6 tuần ở Việt Nam, về lại Nauy, tôi viết vài hàng nhắn gửi các em thành viên của Phuc’s Fond, trong thư có đoạn:
-«Cứ mỗi một lần nhìn hình của ông bà, nước mắt cứ chực tuôn trào. Chắc ông bà cũng không còn sống bao lâu nữa…Cuộc đời của ông bà chắc cũng chẳng bao giờ có những bữa ăn ngon…
Ngày nào hay bất cứ khi mô, nếu em nào có thời gian, cho Thầy nhờ mua cho Ông Bà bữa thì bún, bữa cháo…vài cái bánh ngon… đặc biệt Những món ăn ngon và bỗ dưỡng…Đến thăm và cho ông bà ăn được bữa nào hay bữa đó…»

May mắn thay, có em Kem Heoo nhận lãn trách nhiệm này, nếu có thời gian thì em ấy sẽ ghé thường xuyên, còn không thì ít nhất mỗi tuần 1 lần. Đã hai tuần qua, em ấy thường đến thăm và hôm nay em ấy viết tin nhắn cho mình:
-«Thầy ơi! Hôm nay tụi con đi học về là ghé thăm ông bà luôn, hôm nay tụi con qua thấy ôn mệ tội lắm, nghe mét là đêm không ngủ được, ngày chợp mắt xí thôi, nhà không có ai, hôm nay con qua nhà con cảm giác ôn không được thoải mái lắm(việc đi vệ sinh khiến ôn ngại á THầy), thương ôn ngày mô con qua cũng áo quần chỉnh chu để đón tiếp, giờ nằm vậy thấy Ôn tội nghiệp quá Thầy nã…Nhưng những lúc tụi con qua, Ôn Mệ mừng dữ lắm luôn Thầy nã.

Đọc tin nhắn và những hình ảnh của em Kem Heoo gửi qua, lòng mình thấy chút niềm vui, vì ít nhất trong những ngày cuối đời của Ông Bà, ngoài những lần các em đến thăm để trao quà hàng tháng, từ nay Ông Bà sẽ vui hơn khi có các con, cháu thường xuyên đến thăm và chăm sóc mình, khi còn có thể.

Người đi góp nhặt yêu thương
Nguyễn Quang Phục